Lạc Dương: Chú trọng đầu tư cho giáo dục

08:09, 17/09/2018

Xác định cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học là hai yếu tố quyết định, bảo đảm chất lượng giáo dục nên từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Lạc Dương chú trọng đầu tư rất lớn cho công tác này, góp phần thay đổi gần như toàn diện cơ sở vật chất ngành giáo dục.

Xác định cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học là hai yếu tố quyết định, bảo đảm chất lượng giáo dục nên từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Lạc Dương chú trọng đầu tư rất lớn cho công tác này, góp phần thay đổi gần như toàn diện cơ sở vật chất ngành giáo dục.
 
Việc đầu tư xứng tầm, nâng cao chất lượng ngành giáo dục, sẽ góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: N.Ngà
Việc đầu tư xứng tầm, nâng cao chất lượng ngành giáo dục, sẽ góp phần nâng cao mặt bằng dân trí,
kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: N.Ngà

Ðầu tư mạnh cho giáo dục
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp trên địa bàn, đảm bảo hợp lý. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ hóa, chuẩn hóa. Đảm bảo cơ cấu, số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, ngành học. Đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Làm tốt công tác duy trì sỹ số; duy trì kết quả phổ cập giáo dục. Ưu tiên các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có từ 50 - 60% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và một số trường đạt mức độ II”.
 
Thực hiện nội dung nêu ra trong Nghị quyết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, trên 90 tỷ đồng đã được Lạc Dương phân bổ từ các nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án liên quan đến ngành giáo dục của huyện. Ông Nguyễn Văn Huynh - Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Lạc Dương khẳng định thêm: Những năm qua, Lạc Dương đầu tư cho giáo dục rất mạnh. Nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho lĩnh vực này mỗi năm lên đến hàng chục tỉ đồng. Cụ thể, năm 2015 có 15 công trình liên quan tới trường học, với nguồn kinh phí trên 27 tỷ đồng. Năm 2016, ngành Giáo dục Lạc Dương có 22 công trình được đầu tư với kinh phí khoảng hơn 23 tỷ đồng. Năm 2017, có 21 công trình với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Và từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 9 công trình được đầu tư cho giáo dục với kinh phí trên 14 tỷ đồng…
 
Theo đánh giá của Phòng Giáo dục huyện Lạc Dương: Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các quy định về thu, chi tài chính, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài chính, tài sản. Trong thời gian qua không có tình trạng lạm thu, làm thất thoát tài sản, kinh phí nhà nước trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Hàng năm, toàn ngành đã rà soát, lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các phòng học chức năng, phòng hiệu bộ, phòng học kiên cố đã được xây dựng. Không còn phòng học tạm, phòng học mượn; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; khu nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà ăn cho trẻ từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục. Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, ngành Giáo dục Lạc Dương còn kịp thời tham mưu với UBND huyện để đầu tư các trang thiết bị dạy học, phần mềm quản lý, dạy học với tổng kinh phí gần 12,5 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên mục tiêu các nguồn lực duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và trên 6 buổi/tuần ở cấp THCS. Ngoài ra, ngành Giáo dục Lạc Dương còn thưc hiện có hiệu quả các chính sách về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong giáo dục, huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, trao học bổng, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó...
 
Thay đổi tư tưởng người dân
 
Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng Giáo dục huyện Lạc Dương khẳng định: Chính quyền huyện Lạc Dương đặc biệt quan tâm đến phát triển toàn diện ngành giáo dục. Lạc Dương là địa bàn có 71,3% dân số là người DTTS. Việc đầu tư xứng tầm, nâng cao chất lượng ngành giáo dục sẽ góp phần duy trì sĩ số, nâng cao mặt bằng dân trí, kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc trên địa bàn. Hơn nữa, việc đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục cũng góp phần thay đổi căn bản tư tưởng của bà con vùng đồng bào DTTS về nghị lực phấn đấu vươn lên thay đổi cuộc sống cũng như sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với việc nâng cao đời sống người dân nói chung và giáo dục con em nói riêng. 
 
Để chứng minh cho nhận định này, lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Lạc Dương đã lấy ví dụ chứng minh “Những năm gần đây, các em học sinh của Trường TH&THCS Đưng K’Nớ đã không còn phải chịu cảnh hàng ngày vượt hơn 10 km trên con đường thường xuyên lầy lội vào mùa mưa để đến trường. Bởi từ tháng 11/2015, khu nhà bán trú với 2 phòng ở, 1 nhà bếp kết hợp với nhà ăn được Nhà nước đầu tư đầy đủ chăn màn, giường chiếu, khu vệ sinh,... đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Điều đó góp phần quan trọng trong việc duy trì sỹ số học sinh ra lớp, nhất là ở vùng sâu vùng xa đông đồng bào DTTS như Đưng K’Nớ. Với những hiệu quả thấy rõ như vậy nên mô hình nhà bán trú đang được nhiều trường ở Lạc Dương áp dụng như Trường THCS K’Long K’Lanh, Trường THCS Xã Lát… Nhờ nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em nên cũng dần thay đổi tư tưởng của phụ huynh học sinh.
 
Ông Bon Niêng Ha Buốt - người dân thôn Đưng Trang (thôn xa nhất ở Đưng K’Nớ), nói: “Ba đứa con trước đây phải ở trọ ngoài xã để đi học vì đường từ Đưng Trang tới trường xa quá, khó đi quá. Vì thế, nên nhiều khi mấy đứa phải nghỉ học vì đi lại, ở trọ tốn kém lắm. Bây giờ Nhà nước xây nhà bán trú ở trường rồi, tụi nhỏ yên tâm đi học thôi”.
 
Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, điểm lại những thành tích nổi bật của Lạc Dương, ông Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nhấn mạnh về những nỗ lực trong đầu tư cho “quốc sách hàng đầu” này: Về công tác giáo dục, mạng lưới trường lớp theo các cấp học, ngành học tiếp tục được hoàn thiện theo quy hoạch. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Hầu hết các trường tiểu học, mầm non có đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày và học bán trú. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được củng cố và tăng cường. Đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Công tác duy trì sỹ số học sinh được chú trọng. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh tốt nghiệp các cấp học năm sau đều cao hơn năm trước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả tích cực như: hằng năm có 100% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình; trên 99% học sinh lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp; trên 92% học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp, tăng 6% so với đầu nhiệm kỳ; có từ 23 - 25 học sinh giỏi cấp huyện bậc THCS, từ 1 - 3 học sinh giỏi cấp tỉnh (đạt chỉ tiêu đề ra). Hiện Lạc Dương có 13/20 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 62% (cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh). 
 
Nửa cuối nhiệm kỳ, Lạc Dương xác định cụ thể nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, địa phương tập trung duy trì sỹ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phấn đấu đến năm 2020 có 81% trường đạt chuẩn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động toàn bộ xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
 
NGỌC NGÀ