Mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo và nhất là người đứng đầu cần thấy rằng, không một ai, một tổ chức nào có quyền đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát. Tất cả phải chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của quần chúng nhân dân, của báo chí, của đảng viên và phải thường xuyên thì mới thấy mình có trách nhiệm tuân thủ, không để xảy ra sai sót, nhất là sai phạm về kỷ luật, kỷ cương của Đảng, vi phạm pháp luật.
Mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo và nhất là người đứng đầu cần thấy rằng, không một ai, một tổ chức nào có quyền đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát. Tất cả phải chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của quần chúng nhân dân, của báo chí, của đảng viên và phải thường xuyên thì mới thấy mình có trách nhiệm tuân thủ, không để xảy ra sai sót, nhất là sai phạm về kỷ luật, kỷ cương của Đảng, vi phạm pháp luật.
Nhiều cán bộ cách mạng lão thành, đảng viên lâu năm nhấn mạnh việc nêu cao tính gương mẫu và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc giám sát. Để làm được việc này, trước hết đòi hỏi sự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhưng bên cạnh đó cần sự giám sát, chế tài bắt buộc để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hiện. Theo đó, phải có hệ thống quy định, sự giám sát nhau giữa các cơ quan và giữa các cương vị để bảo đảm mỗi người có điều kiện, cơ sở thực thi nhiệm vụ, nhưng đồng thời cũng luôn có sự giám sát của tổ chức, đảng viên và quần chúng.
Hiện nay, hệ thống giám sát tương đối đầy đủ và toàn diện bao gồm hệ thống giám sát, kiểm tra của Đảng; vai trò giám sát của Quốc hội; HĐND các cấp; rồi các lực lượng thanh tra; kiểm toán; giám sát, phản biện của MTTQ; giám sát của báo chí và nhất là của quần chúng nhân dân… Những vụ việc tham nhũng, tham ô bị phát hiện và xử lý gần đây cho thấy các hệ thống giám sát phát huy tốt vai trò, phanh phui và đưa ra ánh sáng nhiều vụ lớn, từ đó xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân, kể cả cán bộ cấp cao, bất kể người đó là ai, giữ vị trí gì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Các cơ quan giám sát có sự tương tác lẫn nhau và tương tác với báo chí, với nhân dân nên hiệu quả của việc giám sát ngày càng lớn. Đáng chú ý, nhiều vụ việc được phát hiện chính từ công tác giám sát của báo chí, từ sự phản ánh của người dân. Báo chí cũng góp phần đưa ra trước ánh sáng công lý nhiều vụ việc tiêu cực, thu hút sự chú ý và nhận được sự đồng tình của dư luận. Bên cạnh đó, nhờ sự giám sát của người dân mà báo chí có thêm nguồn thông tin, đưa ra các vụ sai phạm, sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý, mang lại niềm tin đối với nhân dân.
Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đã chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH, các chủ trương, chính sách dân chủ, dân sinh, những địa bàn, lĩnh vực trọng tâm. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, răn đe các biểu hiện tham nhũng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ giữ cương vị quan trọng của ngành, địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Vai trò của công tác giám sát ở Lâm Đồng ngày càng được phát huy mạnh mẽ ở tất cả lĩnh vực. Ở trong Đảng, công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được coi trọng và có nhiều đổi mới, được Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác định là phương thức hữu hiệu để xây dựng và hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên, hạn chế những sai lầm khuyết điểm. Công tác giám sát cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhiều cuộc giám sát ở các ngành, lĩnh vực. Các Ban của HĐND tỉnh thời gian qua cũng có số lượng các cuộc giám sát nhiều hơn, tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay trong đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng- an ninh… Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phát huy rất tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm, đáp ứng được nhiệm vụ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, chính quyền nhà nước kết hợp với sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của quần chúng nhân dân, của các tổ chức quần chúng. Kiên quyết xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các biểu hiện tiêu cực khác trong hoạt động công tác.
LAN HỒ