Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính vừa được tổ chức.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính vừa được tổ chức.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong những năm vừa qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai và được xem như là giải pháp quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng người dân phản ánh, phàn nàn về trình độ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, thái độ phục vụ của nhân viên cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chưa tốt, nhiều trường hợp còn chậm trễ.
Với chủ trương, quan điểm chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; nhằm bao quát toàn diện, bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây; hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia và xây dựng Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung, thống nhất cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin này với nhau và với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; quy định việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước để đánh giá chính xác, khoa học, công khai.
Chủ trương nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được cụ thể hóa thành các quy định và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế với việc tập trung ban hành một số văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện Nghị định như các thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 61/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa…
Nhóm giải pháp về kiện toàn tổ chức, trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp. Ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết hành chính tại bộ phận một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết “4 tại chỗ”, phát huy cao nhất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức được cử làm việc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành năm 2019, xây dựng hoặc nâng cấp cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa thống nhất, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin này với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh và cổng thanh toán tập trung quốc gia để hỗ trợ xác thực thông tin người dân, doanh nghiệp, có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Cần tổ chức quán triệt, tập huấn, triển khai tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Nghị định này trong năm 2018 và hằng năm.
Trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và trình độ dân trí càng được nâng cao thì việc hoàn thiện bộ máy phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết.
LAN HỒ