Cách đây 73 năm, ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn Ðộc lập của Bác Hồ đã vang lên giữa Quảng trường Ba Ðình lịch sử. Dõng dạc. Tự hào. Hùng khí. Người trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Cách đây 73 năm, ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn Ðộc lập của Bác Hồ đã vang lên giữa Quảng trường Ba Ðình lịch sử. Dõng dạc. Tự hào. Hùng khí. Người trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Ðó là một trong những áng “thiên cổ hùng văn” lập quốc vĩ đại, khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc. Ðó thực sự là một tuyên ngôn bất hủ về quyền con người và quyền dân tộc thiêng liêng.
Quyền con người là một giá trị lớn của nhân loài. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta khẳng định một trong những mục tiêu đấu tranh của Đảng là giành lại những quyền con người cơ bản cho mọi người dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ khởi thảo, được mở đầu bằng sự trích dẫn nội dung tinh túy nhất về quyền con người ghi trong Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người còn viện dẫn một triết lý mang tính nhân văn cao cả được ghi trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng và quyền lợi”. Theo Người, những lời bất hủ ấy “là những lẽ phải không ai chối cãi được”, và suy rộng ra, “tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Việc trân trọng viện dẫn những tinh hoa của hai bản tuyên ngôn nói trên để mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ thể hiện cử chỉ ngoại giao rất tinh tế, sắc bén của chủ nhân một quốc gia vừa giành được độc lập mà còn là khát vọng thiêng liêng của toàn thể dân tộc Việt Nam, khẳng định và nâng các quyền cơ bản của con người lên thành quyền cơ bản của các dân tộc trên thế giới.
Quyền được sống, tự do, bình đẳng là những quyền tự nhiên, quyền được tạo hóa ban cho (quyền Trời cho) không ai có thể xâm phạm. Ngay từ năm 1924, trên báo Lê Paria, số 22 khi viết về ông Anbe Xarô và bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Bác Hồ đã khẳng định: “Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”.
Tư tưởng của Bác Hồ trong bản Tuyên ngôn Độc lập xuất phát từ những nguyên lý vĩnh cửu, hiển nhiên của nhân loại từ khi có bóc lột và bị bóc lột cho đến ngày nay. Quyền tự do và bình đẳng bắt đầu nảy nở với những hình thức sơ khai khi xã hội có giai cấp, xuất hiện loại người áp bức và bị áp bức. Từ đó, loài người liên tục đấu tranh cho tự do và bình đẳng.
Bằng lời văn hùng hồn, lập luận đanh thép, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 một lần nữa nêu rõ quyền của dân tộc Việt Nam phải được sống trong độc lập, tự do như bất kỳ dân tộc nào khác. Đồng thời, đánh đòn phủ đầu vào âm mưu và hành động tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Người vạch trần sự mâu thuẫn trắng trợn giữa lời nói và việc làm của thực dân đế quốc: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Có thể nói, Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1945 được cả dân tộc Việt Nam viết ra bằng máu, thể hiện sâu sắc nghị lực quyết tâm giành và bảo vệ quyền dân tộc thiêng liêng của mình.
Bác Hồ khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập”.
Độc lập, bình đẳng, tự do chính là những quyền cơ bản nhất; là nền tảng cho sự phát triển của chúng ta với tư cách là một dân tộc trong thế giới văn minh, hiện đại ngày nay. Như chúng ta biết, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ thể hiện nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh giành độc lập tự do cho nhân dân Mỹ, đó là tiến bộ ghi một dấu son trong lịch sử nhân loại. Bác Hồ dẫn Tuyên ngôn đó như một lẽ phải không ai chối cãi được để khẳng định với nhân dân thế giới rằng nhân dân Việt Nam đấu tranh chống xâm lược là thực hiện những quyền chính đáng không ai có thể xâm phạm. Điều đáng lưu ý là, trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ chỉ nói đến “tất cả mọi người”, còn trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, Bác Hồ đã bàn tới “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”. Vì lẽ đó, các quốc gia, dân tộc đều đấu tranh giành những quyền cơ bản cho người dân nước mình. Bác Hồ từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Giáo sư người Nhật Bản Sin-gô Si-ba-ta đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Theo Bác Hồ, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người. Ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thực sự của độc lập dân tộc.
Tư tưởng của Bác Hồ về quyền con người, quyền dân tộc thiêng liêng trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đất nước và phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tư tưởng ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả được Bác Hồ ấp ủ và cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
KHUẤT MINH PHƯƠNG