Mặc dù nhiều hộ dân vẫn còn những khó khăn nhất định, song nhờ sự tuyên truyền, vận động của Ðảng bộ, chính quyền xã Tân Thượng (Di Linh), nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã đã nỗ lực vượt khó thực hiện Nghị quyết về "Tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang cảnh quan khuôn viên cổng, sân, bờ rào nhà ở nông thôn"; qua đó góp phần đưa Tân Thượng hoàn thành tiêu chí 17 trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù nhiều hộ dân vẫn còn những khó khăn nhất định, song nhờ sự tuyên truyền, vận động của Ðảng bộ, chính quyền xã Tân Thượng (Di Linh), nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã đã nỗ lực vượt khó thực hiện Nghị quyết về “Tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang cảnh quan khuôn viên cổng, sân, bờ rào nhà ở nông thôn”; qua đó góp phần đưa Tân Thượng hoàn thành tiêu chí 17 trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
|
Hỗ trợ nhân dân làm sân, cổng, hàng rào. Ảnh: N.Brừm |
Những thực trạng chung
Là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, Tân Thượng hiện có 1.251 hộ với 5.877 nhân khẩu, gồm có 10 dân tộc anh em sinh sống (trong đó dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 77,8%). Do đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển (bởi chỉ độc canh cây cà phê là chính)…, trong khi đó sản lượng, giá cả cà phê trên thị trường luôn biến động đã tác động đến đời sống kinh tế, nên việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới của người dân địa phương còn nhiều hạn chế.
Cũng như một số địa phương khác trong toàn huyện, những năm qua, người dân Tân Thượng đã được thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 134, 30a… Từ những chính sách đó, cùng với nỗ lực của bà con, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, bà con đã tiếp cận và chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư các nông cụ phục vụ sản xuất và xây dựng những ngôi nhà kiên cố, khang trang.
Tuy nhiên, một thực trạng chung ở xã Tân Thượng nói riêng và các xã khác trên địa bàn huyện Di Linh nói chung phần lớn những ngôi nhà của bà con đều thiếu hệ thống sân, cổng, hàng rào. Điều này, phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, vẻ mỹ quan ở khu dân cư, nhất là khi mà cả nước đã và đang tập trung thực hiện mục tiêu lớn của Quốc gia là chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua tìm hiểu ở các thôn trên địa bàn xã, chúng tôi được biết nguyên nhân nhà ở của nhiều hộ dân không có các hệ thống sân, cổng, hàng rào là do điều kiện kinh tế gia đình của họ còn những khó khăn như: nợ nần, mất mùa, giá cả mặt hàng nông sản xuống thấp, chăm lo cho con cái học hành…, nên chưa có đủ điều kiện để đầu tư làm sân, cổng, hàng rào cho sạch sẽ, khang trang.
Ông K’Tim, Trưởng Thôn 3 bày tỏ: “Hiện nay, không riêng gì ở xã Tân Thượng, mà các xã khác trên địa bàn huyện cũng có thực trạng chung là nhiều nhà dân chưa có sân, cổng và hàng rào. Điều này, không phải do ảnh hưởng bởi tập quán, nếp sống truyền thống, mà nguyên nhân chính là do họ chưa thật sự đủ điều kiện để cùng một lúc vừa làm nhà ở, sân và cổng rào. Nhiều gia đình tuy xây dựng ngôi nhà có trị giá lên đến cả tỷ đồng, nhưng vài năm sau họ mới xây dựng sân, cổng, hàng rào là điều thường thấy ở Di Linh”.
Đến các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều nhà ở của người dân thiếu hệ thống sân, cổng, hàng rào. Qua tìm hiểu, có một số hộ tuy có điều kiện kinh tế thuộc dạng khá, xây dựng ngôi nhà gần 10 năm, nhưng vẫn chưa thể làm sân, cổng và hàng rào vì phải đầu tư một khoản tiền khá lớn để mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình; các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; có gia đình chăm lo cho từ 3 - 5 người con học cao đẳng, đại học và cá biệt có hộ còn lo cho con cái đi du học, nên kinh tế gia đình cũng còn lắm khó khăn.
Sức lan tỏa
Nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã; góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan ở khu dân cư xanh, sạch, đẹp; đồng thời để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2018, Đảng ủy xã Tân Thượng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/ĐU ngày 27/3/2018 về “Tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang cảnh quan khuôn viên cổng, sân, bờ rào nhà ở nông thôn”. Trong đó, vận động cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu tiên phong và đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp đến với các thôn trên địa bàn xã.
Nói đi đôi với làm, làm cho người dân thấy, tin tưởng và noi theo, nên ngoài ông K’Brồi (Chủ tịch UBND xã), ông K’Ly (Chủ tịch UBMTTQ xã), ông Nguyễn Tuấn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng cũng đã đầu tư kinh phí 120 triệu đồng để xây dựng sân nhà rộng 400 m2 và chỉnh trang cổng, hàng rào. Vì vậy, khoảng không gian trước ngôi nhà của gia đình ông Thông thoáng đãng và được ông bày trí thêm những chậu cây cảnh trông rất hài hòa.
“Với vai trò là người lãnh đạo, tôi cũng đã khắc phục khó khăn, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy. Qua đó, vận động nhân dân tham gia tích cực xây dựng nông thôn mới như: đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, sân nhà được khang trang và giữ gìn vệ sinh ở khu dân cư được sạch đẹp”, ông Thông cho biết.
Để tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ ở khu dân cư, tháng 5/2018, Huyện ủy Di Linh đã chọn xã Tân Thượng để thực hiện công tác dân vận giữa lực lượng vũ trang với các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Di Linh. Ngoài việc vận động người dân đóng góp kinh phí, mỗi hộ còn được huyện Di Linh hỗ trợ từ 10 - 20 bao xi măng và nhân công. Gia đình chị Ka Bét ở Thôn 1 xây nhà trước năm 1995, vài năm sau gia đình tiếp tục đầu tư kinh phí sắm xe công nông để phục vụ sản xuất…, nên chưa có điều kiện làm sân. “Khi được vận động và hỗ trợ làm sân, các gia đình cũng đã góp kinh phí khoảng 6 triệu đồng/hộ, góp ngày công lao động để làm sân. Giờ không còn cảnh mùa mưa lầy lội, mùa khô gió bụi; khu nhà ở đã được vệ sinh sạch sẽ và điều kiện sinh hoạt đi lại được thuận tiện hơn” - chị Ka Bét ở Thôn 1 phấn khởi.
Còn với gia đình chị Ka Sen cũng ở Thôn 1, cuộc sống của gia đình chị thu nhập chủ yếu từ 2 ha cà phê, nên những năm khí hậu thuận lợi, đầu tư chăm bón khá thì sản lượng đạt trên 5 tấn/năm; riêng những năm mất mùa chỉ đạt từ 2 - 3 tấn/năm. “Được cán bộ đến tuyên truyền, vận động làm sân và được hỗ trợ xi măng, nên các hộ sống liền kề đã động viên nhau và quyết tâm làm. Giờ anh thấy rồi đó, dãy nhà ở khu vực này có chung sân bãi rộng rãi, sạch đẹp” - chị Ka Sen nói.
Trong đợt dân vận này, ngoài hỗ trợ hàng trăm bao xi măng cho các hộ dân, cán bộ còn vận động nhân dân đóng góp 456 triệu đồng, huy động được 531 nhân công (trong đó, có 194 nhân công huyện và xã, còn lại là do nhân dân) và đã làm được 2.968 m
2 sân. Điển hình có hộ đóng góp từ 20 - 45 triệu đồng như hộ ông K’Mạo, K’Brết….
Ông Nguyễn Hữu Cường - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng bày tỏ: “Hiện nay, Nghị quyết số 22 đã thực sự đi vào cuộc sống và nhiều chuyển biến tích cực về tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư, được nhân dân đánh giá cao về lợi ích, hiệu quả mà nó mang lại. Ngoài 41 hộ được hỗ trợ còn có 9 hộ tự bỏ tiền ra làm và hiện tại đã có trên 20 hộ đăng ký và sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm 2018”.
NDONG BRỪM