Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở", Lâm Đồng đã đạt kết quả trên nhiều phương diện, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH địa phương.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Lâm Đồng đã đạt kết quả trên nhiều phương diện, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH địa phương.
Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng: Qua thực hiện Kết luận 120-KL/TW, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - giám sát” được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tôn trọng và thực hiện nghiêm túc. Trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, huy động nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh, nâng cao dân trí. Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý và điều hành của bộ máy Nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng được cởi mở. Hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến mạnh, cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ; niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCƠCS) vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa thường xuyên. Hoạt động của ban chỉ đạo ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hình thức, chất lượng chưa cao. Việc niêm yết, công khai các nội dung để dân biết chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu cụ thể nên chưa tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận thông tin. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực hiện tốt QCDCƠCS.
Tình trạng doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để xử lý. Hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, hiệu quả thấp. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư ở cộng đồng ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 2868-CV/TU, ngày 19/9/2018 yêu cầu các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các sở, ban, ngành, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là: Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDCƠCS. Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn, từng vùng, từng đối tượng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước để người dân hiểu, tự giác thực hiện... Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh thực hiện các nội dung của “Năm Dân vận chính quyền” trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Thực hiện có hiệu quả cơ chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, những bức xúc trong nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo thực hiện QCDCƠCS. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, xây dựng phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân trong giải quyết các công việc theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, xem đây là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên hàng năm.
Một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nữa được đặt ra là: Phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng giám sát của HĐND các cấp, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước; thực hành tiết kiệm, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Gắn thực hiện QCDCƠCS với việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
LAN HỒ