Ðầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển

10:10, 01/10/2018

Lạc Dương là địa bàn có 71,3% dân cư là người DTTS. Do những đặc tính về tập quán và sự hạn chế về trình độ nhận thức nên nhiều vấn đề bất cập về công tác dân số nảy sinh, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đời sống người dân cũng như quy hoạch phát triển của địa phương.

Lạc Dương là địa bàn có 71,3% dân cư là người DTTS. Do những đặc tính về tập quán và sự hạn chế về trình độ nhận thức nên nhiều vấn đề bất cập về công tác dân số nảy sinh, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đời sống người dân cũng như quy hoạch phát triển của địa phương. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề và kiên trì thực hiện suốt 5 năm qua, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng vào lĩnh vực này, góp phần tạo sự cân bằng dân số và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
 
Công tác dân số là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. Ảnh: N.Ngà
Công tác dân số là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. Ảnh: N.Ngà

Kiên trì thực hiện theo Nghị quyết
 
Ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương cho biết: “Trung ương Đảng đã xác định, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Bởi chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển. Xác định rõ điều đó, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 14 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình” để kiểm soát vấn đề này”.
 
Tính đến nay, dân số toàn huyện là trên 26 ngàn người. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 19 ngàn người; Tỷ suất sinh còn dưới 19,9%0, giảm bình quân hàng năm 0,54%0; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,3%, giảm bình quân 0,02%; Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên 75%; Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn dưới 12,2%. Những con số này đã giảm áp lực rất lớn cho địa phương. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngay sau khi có Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức học tập, quán triệt nội dung này đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Đồng thời, đề ra chương trình hành động, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Để đảm bảo Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Bởi vậy, những trường hợp cán bộ vi phạm chính sách dân số đã được các địa phương đơn vị xử lý nghiêm. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có tổng số 20 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, có 15 cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Tất cả các trường hợp trên đã nhận kỷ luật từ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện.
 
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương, để Nghị quyết đi nhanh vào với cuộc sống, công tác tuyên truyền được các đoàn thể và các ngành chuyên môn tăng cường thông qua các buổi họp tại thôn, tổ dân phố; sinh hoạt tại các chi hội của các đoàn thể, hệ thống Trạm truyền thanh địa phương... Từ đó, huy động được đông đảo lực lượng xã hội tham gia như: đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng…  Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện những nội dung cụ thể về tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn. Đây cũng là một trong những nội dung chính quyết định thành tích thi đua của các đơn vị và địa phương hàng năm. Do vậy, đa số người dân đã hiểu được hệ lụy của việc đông con, tự nguyện chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, ít con và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Khởi sắc sau 5 năm
 
Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar cho biết: “Với địa bàn có trên 90% dân số là người đồng bào DTTS như Đa Sar, để thay đổi tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chuyện sinh con cái không thuận theo tự nhiên là mang tội… trong bà con không phải chuyện một sớm một chiều. Những con số đặt ra trong vấn đề dân số của xã hiện nay đã cho thấy một thay đổi rất lớn trong tư duy của bà con so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đạt được quy mô và chất lượng dân số ngang tầm với sự phát triển”.
 
Chị Kon Sơ Miên - cán bộ chuyên trách dân số xã Đa Nhim nói rằng: “Công tác tuyên truyền, vận động là một trong những biện pháp chính giúp bà con thực hiện đúng các yêu cầu trong công tác dân số. Ngoài chuyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, việc tuyên truyền còn phải có sự linh động giữa các đối tượng khác nhau. Muốn bà con dễ nghe, dễ hiểu để thực hiện, tôi thường lấy những câu chuyện thực liên quan tới cái bánh, hộp sữa, miếng thịt, bộ quần áo… giữa nhà đông con với nhà hai con để so sánh. Đó là thực tế trong cuộc sống mà chính bà con cũng thấy được nên mình thuyết phục bà con hiểu và dễ nghe, dễ làm theo hơn”.
 
Hiện nay, hệ thống cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình từ huyện đến cơ sở đã được củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 6/6 trạm y tế xã thực hiện được dịch vụ liên quan tới dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Hàng năm, các đợt chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” được triển khai thường xuyên. Kết quả của các đợt chiến dịch này đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe sinh sản cho nhân dân.
 
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14 của Huyện ủy về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến việc địa phương có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, tư tưởng đông con, phải có cả con trai và con gái còn hằn sâu trong ý nghĩ của một bộ phận người dân; trình độ, năng lực của đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động tại những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở còn biểu hiện tư tưởng chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện công tác này... 
 
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 14, nhiều mô hình có hiệu quả được hình thành và duy trì như: “Thôn, tổ dân phố không có người sinh con thứ ba trở lên”; “Đưa chính sách dân số - sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình vào quy ước cộng đồng”... Ngành giáo dục cũng đã chủ động đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vào giảng dạy chính thức ở các bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, qua đó đã làm chuyển biến nhận thức của tầng lớp nhân dân, quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con đã được hưởng ứng thực hiện. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được kiểm soát, mức sinh tiếp tục giảm qua hàng năm, chất lượng dân số được nâng cao...
 
N. NGÀ