Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2008. Huyện nghèo Ðam Rông cũng là địa phương có trong danh sách được hưởng lợi từ Nghị quyết này.
Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2008. Huyện nghèo Ðam Rông cũng là địa phương có trong danh sách được hưởng lợi từ Nghị quyết này.
Qua 10 năm, Nghị quyết 30a được triển khai đã trở thành “cú hích” mạnh mẽ cho huyện khó trên hành trình thoát nghèo.
|
Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Đam Rông đã cơ bản hoàn thiện. Ảnh: N.Ngà |
“Cú hích” giảm nghèo
Đam Rông là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với 7/8 xã thuộc diện xã khu vực III, 1 xã khu vực II. 38/56 thôn thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn. 74% dân số trong toàn huyện là người DTTS. Số hộ nghèo thời điểm bắt đầu triển khai các chương trình thuộc Nghị quyết 30a chiếm tỷ lệ 46,97%. Trong đó, hộ nghèo là người DTTS lên đến 85,43%.
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Trên cơ sở nguồn vốn chương trình được UBND tỉnh phân bổ, UBND huyện đưa về các xã để địa phương trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án nhằm nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; đồng thời, phát huy tính “dân chủ” trong lựa chọn nội dung đầu tư, cũng như việc bình chọn đối tượng được thụ hưởng, tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện chương trình. Đi liền với đó là công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân để cùng tham gia đóng góp vào quá trình thực hiện”.
Trong triển khai thực hiện các Chương trình 30a, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ. Ông Đào Đức Oai - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Đam Rông khẳng định: “Trong thực hiện Nghị quyết 30a, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên. Qua đó, đã đánh giá đúng tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương trong triển khai nhiệm vụ nói chung và các Chương trình 30a nói riêng”.
Trước khi có Nghị quyết 30a, cơ sở hạ tầng của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, sau khi được thụ hưởng chương trình giảm nghèo, nguồn lực đầu tư được tăng lên đáng kể, cùng với sự phối kết hợp và lồng ghép đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách khác nhau; nền kinh tế của huyện tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo hoàn thiện. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng lên và bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện thay đổi rõ rệt.
Theo thống kê từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, tổng nguồn vốn Nghị quyết 30a của Chính phủ bố trí để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện là trên 578 tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng cơ bản trên 333 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 90 tỷ đồng… Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ trên 154 tỷ đồng. Tất cả đều giải ngân được từ 96 - 98%. “Đó thực sự là cú hích cho các địa phương trong việc giảm nghèo”, Phó Chủ tịch UBND huyện Liêng Hót Ha Hai nhấn mạnh.
Cụ thể, đã có 62 công trình, gồm các công trình giao thông, thủy lợi, trung tâm dạy nghề, trường học, công trình nước sạch, công trình đường điện... được đầu tư xây dựng mới hoặc duy tu, sửa chữa. Từ đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã có diện mạo khang trang hơn nhiều so với trước đây.
Người dân được hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm thông qua các biện pháp như hỗ trợ trồng rừng trên 3.600 ha/2.635 hộ; giao khoán QLBVR được trên 38.500 ha/2.640 hộ. Nhân rộng mô hình giảm nghèo được 4 mô hình với kinh phí 500 triệu đồng (2 mô hình cánh đồng lúa mẫu tại xã Đạ M’Rông và 2 mô hình trồng nấm mèo) cho 217 hộ. Tiến hành chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với vốn bố trí trên 67 tỷ đồng cho 41.349 lượt hộ nghèo, cận nghèo... Tính đến cuối tháng 8/2018, đã có trên 6 ngàn lượt vay của người dân với trên 220 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách. Đa phần nguồn vốn vay được bà con sử dụng để đầu tư vào sản xuất.
Từ thực tiễn Chương trình 30a trên địa bàn, ông Lơ Mu Ha Poh - Chủ tịch xã Đạ Long nói: “Từ các chương trình đầu tư hỗ trợ sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến lâm; đến nay nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi; một số mô hình đã được thực hiện có hiệu quả (năng suất lúa tăng từ 35 tạ/ha lên 45,5 tạ/ha; ngô từ 36 tạ/ha lên 50 tạ/ha; canh tác cà phê đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên... nên bước đầu tạo điều kiện cho một bộ phận hộ nghèo nâng cao đời sống”.
Cùng với việc phát triển kinh tế, công tác xây dựng trường lớp, đào tạo nghề nông thôn, xuất khẩu lao động... cũng được thực hiện. Đặc biệt, Nghị quyết 30a còn góp phần đưa về huyện nghèo, xã khó khăn đội ngũ cán bộ trí thức trẻ. Đã có 17 trí thức trẻ có trình độ cao đẳng, đại học được tuyển dụng, bố trí về công tác tại các phòng, ban và UBND các xã; bố trí 7 cán bộ theo Đề án 500 về tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 600, trên địa bàn có 5 thành viên được bố trí chức danh Phó Chủ tịch UBND xã, có 1 đồng chí được giao trọng trách mới là Chủ tịch UBND xã.
Bước tiến dài nhưng chưa vững chắc
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân, đặc biệt là động lực từ các Chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ giai đoạn 2011 - 2015) trên địa bàn liên tục giảm. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo giảm xuống còn trên 800 hộ, tỷ lệ 7,5%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn này giảm bình quân 13%/năm, vượt so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Chương trình 30a. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, sau khi thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới (nghèo đa chiều), kết quả, có trên 4 ngàn hộ nghèo, chiếm 37,11% (trong đó hộ nghèo ĐBDTTS 84,54%). Sau 2 năm, đến cuối năm 2017, hộ nghèo của huyện giảm xuống 27,47%. Như vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm không đạt chỉ tiêu Đề án 30a của huyện (giảm 6 - 8%/năm).
Bên cạnh đó, một số chương trình 30a chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, bước đầu đã tạo diện mạo mới so với trước đây. Tuy nhiên, so với mục tiêu Đề án 30a, công trình cấp huyện mới chỉ đạt 16,3% và công trình cấp xã 24,5%. Một số chương trình hỗ trợ sản xuất không phát huy hết hiệu quả... Một bộ phận không nhỏ người dân nằm trong diện 30a đã không còn mặn mà với việc trồng rừng. Về vấn đề này, ông Trần Phước Mênh - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh cho rằng: “Việc thực hiện trồng rừng 30a không hiệu quả, ngoài điều kiện đất đai thì còn do các hộ nhận trồng rừng đều là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, còn phải lo cơm áo hàng ngày mà chu kỳ trồng rừng kéo dài nên bà con không tâm huyết với việc này. Hơn nữa, nhận thức cũng như kỹ thuật chăm sóc rừng trồng của bà con chưa cao nên hiệu quả thấp. Và quan trọng hơn là việc thiết kế, quy hoạch còn nhiều vấn đề dẫn đến khó hình thành được vùng nguyên liệu nên người dân không còn mặn mà và có tư tưởng không muốn khai thác hoặc khai thác rồi thì không muốn tiếp tục trồng rừng”.
Dựa trên tình hình thực tế tại xã Đạ Tông, ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho rằng: “Hiện nay, người nghèo đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp (chính sách BHYT, chính sách hỗ trợ giáo dục,...), dẫn đến vẫn còn mang nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Phong tục tập quán của đại bộ phận đồng bào DTTS chưa được tích cực đổi mới, trình độ canh tác còn thấp kém nên hiệu quả giảm nghèo chưa cao”.
Theo nhận định của lãnh đạo huyện Đam Rông, kết quả giảm nghèo của huyện mặc dù đã có bước tiến dài, song chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó, tình hình dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn huyện cũng gây ra nhiều áp lực và phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa thực sự mạnh mẽ. Do vậy, nhiều mục tiêu của chính sách chưa đạt được như mục tiêu đặt ra.
10 năm, động lực từ 30a đã đủ để Đam Rông gây dựng những nền tảng nhất định. Bởi vậy, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài việc triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ hợp lý, sát với tình hình địa phương, cần khơi dậy ý thức và sự chủ động phối hợp của người dân để họ thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
NGỌC NGÀ