(LĐ online) - Đúng ngày 01/6/2018, đồng loạt 6 trưởng phòng, 2 phó phòng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng "rớt" xuống làm chuyên viên. Bộ máy tổ chức từ 6 phòng, giảm xuống còn 3 phòng. Mô hình "chuyên viên trực tiếp" ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng trở thành câu chuyện gây ngạc nhiên với không ít người…
(LĐ online) - Đúng ngày 01/6/2018, đồng loạt 6 trưởng phòng, 2 phó phòng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng “rớt” xuống làm chuyên viên. Bộ máy tổ chức từ 6 phòng, giảm xuống còn 3 phòng. Mô hình “chuyên viên trực tiếp” ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng trở thành câu chuyện gây ngạc nhiên với không ít người…
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng |
Không còn lãnh đạo cấp phòng
Ý tưởng chuyển mô hình hoạt động có thứ bậc từ lãnh đạo phòng đến lãnh đạo ban sang mô hình “chuyên viên trực tiếp”, bỏ lãnh đạo cấp phòng, được phác thảo gần một năm trước đó. Việc này được bàn bạc dân chủ bởi sự nhạy cảm, liên quan tới quyền lợi của cán bộ, đảng viên…
Đã có những tâm tư của những người bị sắp xếp, điều chuyển. Những tâm tư này được cảm thông bởi dù chỉ ở cấp trưởng, phó phòng cũng đều là thành quả phấn đấu lâu dài…
Nhưng không thể không làm vì: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng từng có 31 biên chế, sau đó còn lại chỉ 23 biên chế. Khi thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 Hội nghị TW 6 Khóa XII, Ban chỉ còn 21 người. Nếu giữ nguyên cơ cấu cũ thì có tới 12 lãnh đạo (4 lãnh đạo ban, 8 lãnh đạo phòng), chiếm tỷ lệ hơn 50%. Thực trạng vô lý (lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên) này đã từng tồn tại; vì vậy, tinh gọn bộ máy là việc không thể không làm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã sáp nhập các phòng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Phòng Tuyên truyền; phòng Lý luận chính trị - lịch sử Đảng và Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo nhập thành một phòng, đổi tên là “phòng Tuyên huấn”; phòng Văn hóa, văn nghệ nhập chung với phòng Khoa giáo thành “Phòng Khoa giáo”; Văn phòng đổi tên thành “Phòng Hành chính tổng hợp”.
Bộ máy thay đổi, nhân sự cũng phải đổi thay, đặc biệt là vị trí lãnh đạo phòng. Bổ nhiệm ai, như thế nào? Câu hỏi khó trả lời cả tình lẫn lý. Và mô hình “chuyên viên trực tiếp” được coi là giải pháp có cơ sở khoa học, lâu dài, phù hợp với các nghị quyết của BCHTW Đảng khóa XII về cải cách bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nêu cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của lãnh đạo và người đứng đầu…
Người trong cuộc nói gì?
Không còn làm lãnh đạo phòng thì làm “chuyên viên giỏi” - Đó là quan điểm của những người trong cuộc. Họ cho rằng: Định vị cái danh của con người không nằm ở cái chức, cái quyền. Một chuyên viên giỏi sẽ được mọi người nể trọng hơn là một lãnh đạo phòng thiếu năng lực vượt trội. Sau 4 tháng trải nghiệm, nhiều điều được rút ra cho một mô hình.
Nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ, anh Nguyễn Thanh Hồng nay là chuyên viên phòng Khoa giáo cho biết:
“Chúng tôi không còn vướng bận việc quản lý; không còn phải gánh trách nhiệm chung cho cả phòng, giờ thì chúng tôi có nhiều thời gian, chú tâm cho nhiệm vụ chuyên môn của chính mình…”
Chị Vũ Thị Hồng Vĩnh, Phó Bí thư chi bộ, nguyên Trưởng phòng Lý luận, Lịch sử Đảng bộc bạch:
“Nếu nói không tâm tư là không thật lòng, nhưng giờ thì chúng tôi đã quen rồi và thực tế theo tôi mô hình này đem lại hiệu quả cao trong công việc. Nếu trước đây, tôi phải chịu trách nhiệm 3 mảng công việc gồm: Lý luận chính trị; Lịch sử Đảng; Học tập làm theo Bác và một số công việc liên quan khác, nay tôi chỉ chịu trách nhiệm mảng lý luận chính trị, học tập và làm theo Bác. Dĩ nhiên, công việc giảm thì tôi dành nhiều thời gian chuyên sâu hơn cho nhiệm vụ được giao…”
Những chuyên viên ngang hàng với lãnh đạo phòng của mình trước đây cũng có những cảm nhận riêng. Anh Nguyễn Viết Liễu, chuyên viên phòng Tuyên huấn thẳng thắn:
“Bây giờ mọi việc đều trực tiếp thông qua lãnh đạo Ban, không được trợ giúp của lãnh đạo phòng nên không còn chỗ cho sự dựa dẫm, ỷ lại; chúng tôi buộc phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều”.
Còn với lãnh đạo ban khi thực hiện mô hình mới, vì không còn trưởng phòng “gác cổng”, nên phải rất cẩn trọng khi trực tiếp chỉ đạo, quản lý, điều hành và giải quyết công việc của phòng. Tuy nặng nhưng đúng vai trò, trách nhiệm lãnh đạo…
|
Các cán bộ tuyên giáo luôn trau dồi kiến thức để làm việc hiệu quả |
Và những hiệu quả cơ bản
Thổ lộ của những người trong cuộc đã phần nào minh chứng hiệu quả một mô hình dù chỉ sau 4 tháng thực hiện. Cần nhấn mạnh thêm: Giảm lãnh đạo cấp phòng, nghĩa là giảm một khâu trung gian. Trước đây, một văn bản tham mưu trước khi phát hành phải qua nhiều công đoạn. Công đoạn thứ nhất: Bắt đầu từ sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban đến các phòng. Công đoạn hai: Lãnh đạo phòng triển khai và giao nhiệm vụ xuống từng chuyên viên. Công đoạn ba: Chuyên viên lên ý tưởng thực hiện và soạn thảo văn bản, trình cho lãnh đạo phòng qua cấp phó. Công đoạn thứ tư: Cấp phó trực tiếp chỉnh sửa rồi trình trưởng phòng. Công đoạn năm: Trưởng phòng tiếp tục chỉnh sửa rồi giao ngược lại chuyên viên. Công đoạn sáu: Chuyên viên hoàn chỉnh văn bản rồi trình lại cho lãnh đạo phòng. Công đoạn bảy: Lãnh đạo phòng trình lên lãnh đạo Ban (cấp phó trực tiếp phụ trách). Riêng các văn bản quan trọng thì phó ban phải trình lên trưởng ban; trưởng ban chỉnh sửa giao lại cho phó ban và đây là công đoạn bảy. Công đoạn tám: Phó ban tiếp tục giao cho lãnh đạo phòng chỉnh sửa; lãnh đạo phòng tiếp tục giao lại cho chuyên viên. Công đoạn chín: Chuyên viên chỉnh sửa rồi giao cho lãnh đạo phòng; lãnh đạo phòng trình lại cho lãnh đạo Ban, sau đó phát hành chính thức.. Nay, bỏ cấp lãnh đạo phòng, các thủ tục được cắt giảm. “Con đường” phát hành văn bản được rút ngắn đáng kể; nhanh, gọn, hiệu quả…
Điểm nữa: Bỏ lãnh đạo cấp phòng là giảm khâu “trung gian”. Và khi “cái bóng” của lãnh đạo phòng được dỡ bỏ, thì lãnh đạo cơ quan sẽ nhận diện rõ năng lực, trách nhiệm của từng chuyên viên, từ đó có cách dụng người phù hợp hoặc tinh giản khi không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Không còn lãnh đạo cấp phòng thì không còn quy hoạch cấp trưởng, phó phòng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm để lại nhiều hệ lụy mà thực tiễn trong cả nước đã chứng minh rất rõ.
Về tài chính, không còn lãnh đạo cấp phòng thì không còn phụ cấp chức vụ. Trong cả nước, con số này không hề nhỏ…
Cần nhân rộng mô hình
Chúng ta đã duy trì khá lâu mô hình bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Vì thế, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy chưa dễ dàng nhận được sự đồng thuận cao. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng chí Trần Văn Hiệp – UVBTV Tỉnh ủy chia sẻ:
“Cái mới ra đời, bao giờ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nếu sợ khó mà không làm thì làm sao có cái mới. Tôi đã suy nghĩ và rất trăn trở; quặn lòng vì có những trưởng phòng mà sự cống hiến không hề ít… Nay “giáng” họ xuống làm chuyên viên sao không khỏi chạnh lòng! Rất mừng vì tất cả trưởng, phó phòng đều có những cảm thông và trên tất cả, họ đã thể hiện rất rõ tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vượt qua những sân si đời thường vì mục đích chung”.
Hiện nay, khối Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã triển khai thực hiện. Tuy chưa nhiều nhưng đã có sự lan tỏa từ một mô hình.
Nhưng! Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình “chuyên viên trực tiếp” có làm giảm sự phấn đấu của đội ngũ chuyên viên? Một cán bộ lâu năm, nay xuống làm chuyên viên, bộc bạch:
“Tôi cho rằng không có sự phấn đấu nào cao hơn, tốt đẹp hơn sự phấn đấu “nhất nghệ tinh”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó mới thực là phẩm chất, đạo đức, là văn hóa ứng xử của công chức trong bộ máy của Đảng, chính quyền hay bất cứ một tổ chức đoàn thể nào khác…Khi đứng dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tuyên thệ rằng: Phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.
Lương tâm của một đảng viên không cho phép chúng tôi nghĩ khác, làm khác”…
Còn Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định:
“Cơ hội bổ nhiệm làm lãnh đạo Ban sẽ được trao đều cho tất cả chuyên viên chứ không phải xếp hàng theo phạm vi thứ bậc (trưởng phòng) như trước. Tôi tin rằng khả năng vượt trội giữa các chuyên viên sẽ nổi rõ trong quá trình phấn đấu công tác. Những chuyên viên vượt trội ấy sẽ được xem xét, bổ nhiệm lãnh đạo Ban nếu hội đủ các điều kiện theo quy định. Như vậy, đừng ngộ nhận rằng xuống chuyên viên là vĩnh viễn không còn cơ hội bổ nhiệm lãnh đạo”.
Hy vọng rằng, mô hình “chuyên viên trực tiếp” sẽ thẩm thấu và lan tỏa, góp phần đưa Nghị quyết 18, Nghị quyết 19, kỳ họp thứ 6 BCHTW Đảng, Khóa XII thực sự đi vào cuộc sống.
Sơn Dũng - Hoài Thanh