Từ ngày 2 đến ngày 6/10, một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) tập trung thảo luận và đã thông qua là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Quy định mới được kỳ vọng sẽ nâng tầm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Từ ngày 2 đến ngày 6/10, một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) tập trung thảo luận và đã thông qua là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Quy định mới được kỳ vọng sẽ nâng tầm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Kết luận Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Theo tinh thần chỉ đạo, quy định này nhấn mạnh đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có quy định chung cho cán bộ, đảng viên là: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Quy định trách nhiệm nêu gương của từng Ủy viên được xây dựng theo nguyên lý: “có xây có chống, xây trước, chống sau”. Theo đó, các đồng chí Ủy viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình… Quy định “chống” để thực hiện trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý “từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân (không nên làm, không được làm) và kiên quyết chống.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền và Người đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người từng nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Những căn dặn và việc làm của Người đã trở thành bài học lớn xuyên suốt mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình; đến trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Với đảng viên cấp cao thì việc “nói đi đôi với làm” càng cần phải được thực hiện nghiêm hơn nữa…
Cách đây hơn 6 năm, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QÐ/TƯ (ngày 7/6/2012) quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định nêu rõ 7 nội dung nêu gương, gồm: Về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đề cập đến vấn đề nêu gương của cán bộ, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng Đảng.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Một số đồng chí thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong tình hình hiện nay đòi hỏi cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Người lãnh đạo cấp cao phải nhận thức rõ và thực hiện tốt vai trò thủ lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có mục đích để đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, những vị trí chủ chốt ở mọi cấp. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Yêu cầu của Quy định phải nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Nội dung nêu gương phải ngang tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm được giao.
Việc Hội nghị Trung ương 8, khóa XII ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng với việc quán triệt và thực hiện nghiêm quy định này sau hội nghị, sẽ tạo động lực to lớn, mạnh mẽ, góp phần quan trọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
LAN HỒ