Ðảng bộ tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng

08:10, 15/10/2018

Suốt chặng đường 70 năm của ngành Kiểm tra Ðảng và 41 năm ngành Kiểm tra Ðảng tỉnh Lâm Ðồng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng. 

Suốt chặng đường 70 năm của ngành Kiểm tra Ðảng và 41 năm ngành Kiểm tra Ðảng tỉnh Lâm Ðồng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tại Hội nghị Trung ương 8.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tại Hội nghị Trung ương 8.

Phần lớn cấp ủy, tổ chức đảng đã xác định được trách nhiệm của mình, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả tốt. Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu và tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cấp ủy các cấp đã chủ động bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị ban hành chương trình, kiểm tra, giám sát hàng năm.
 
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát giúp cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy các cấp, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát không ngừng được đổi mới và bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn. Các cấp ủy đảng đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, từ đó công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện bài bản, chủ động và quyết liệt hơn. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, vi phạm, hoặc những vấn đề đang gây bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của đảng ngày càng được nâng cao, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò, trách nhiệm của đảng viên; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
 
Những kết quả đạt được trên đây, ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh. Tổ chức bộ máy làm công tác kiểm tra, giám sát ngày càng hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, phẩm chất tốt và phương pháp làm việc khoa học. Sự cống hiến và thành tích của ngành Kiểm tra Đảng tỉnh và các thế hệ cán bộ kiểm tra là rất đáng được ghi nhận và biểu dương.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần tập trung khắc phục đó là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có nơi còn mang tính hình thức, hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa quyết liệt đấu tranh với những vi phạm. Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tình trạng vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ còn diễn ra ở một số nơi; vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng về công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan trong khối nội chính, cơ quan kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước có lúc, có việc chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao; phối hợp trong xử lý kỷ luật giữa kiểm tra Đảng với xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể còn bất cập.
 
Cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, Đảng ta đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kể cả về phương thức kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Phát huy truyền thống 70 năm ngành Kiểm tra Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phân tích làm rõ nguyên nhân để ngành Kiểm tra Đảng xứng đáng với kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung làm tốt một số nội dung sau: 
 
Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng nói chung và về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói riêng, để cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò, nhiệm vụ, nội dung công tác kiểm tra, giám của Đảng trong tình hình hiện nay. Qua đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. 
 
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với quan điểm làm thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ và chặt chẽ, kết hợp giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính. Đặc biệt, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ từ cơ sở đảng về thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng đảng từ cơ sở và là căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, phân loại cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên từ cơ sở; giải quyết tốt đơn, thư khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sai phạm. Chú ý làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong khối các cơ quan đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Ba là, cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời không ngừng đổi mới phương thức làm việc; nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kịp thời xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các vụ việc vi phạm, đảm bảo theo quy định của Điều lệ Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không được suy diễn trong kết luận kiểm tra, giám sát, không cầu toàn, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, đảm bảo có lý, có tình, kiên quyết không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các ban xây dựng đảng, các cơ quan liên quan trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, phải đồng bộ, thống nhất giữa xử lý về mặt Đảng và chính quyền. Nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.
 
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, năng lực, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, tinh thông về nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, tâm huyết với nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cần dành thời gian thỏa đáng để trao đổi nghiệp vụ, cập nhật các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng.
 
NGUYỄN XUÂN TIẾN - UVTW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy