Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10

09:10, 22/10/2018

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tại Nhà Quốc hội (QH), Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, QH sẽ làm việc trong 24 ngày, và họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tại Nhà Quốc hội (QH), Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, QH sẽ làm việc trong 24 ngày, và họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018. QH sẽ dành khoảng 9 ngày rưỡi để xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác. Trong đó, có những dự luật được dư luận và cử tri quan tâm, như: Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học…
 
QH sẽ xem xét, quyết định về công tác nhân sự, trong đó có việc lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước; đồng thời lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn… QH cũng sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện có liên quan. Đây là hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.
 
Về những điểm đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được thực hiện theo phương thức “hỏi nhanh - đáp gọn”. Trong đó, phiên chất vấn sẽ không thảo luận về nội dung báo cáo của Chính phủ, của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao… mà dành thời gian trọn vẹn 3 ngày để cho các đại biểu QH chất vấn những vấn đề Chính phủ, cơ quan tư pháp đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.
 
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên QH yêu cầu Chính phủ báo cáo về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, gồm các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; từ đó, xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu 5 năm theo Nghị quyết.
 
Được biết, tại kỳ họp này, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, trừ chức danh Chủ tịch Nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do mới được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm. 
 
HÀ NGUYỆT