(LĐ online) - Trong cuộc đời làm báo của mình, một trong những kỷ niệm sâu sắc đối với tôi - đó là vào 16 giờ chiều ngày 27-12-1996, trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, tôi cùng với anh Đinh Thế Huynh, Vũ Công Thao trong Ban biên tập lên phòng làm việc của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại nhà số 4, đường Nguyễn Cảnh Chân, trình măng sét mới của báo Đảng với 3 hàng chữ: "NHÂN DÂN, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam".
Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội Báo Xuân |
Thật ra để có măng sét mới này, Tổng Bí thư rất cẩn trọng, trước đó đã nhắc tôi phải tham khảo ý kiến đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước (vì lúc đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi công tác nước ngoài). Thật không may, những ngày đó, đồng chí Nguyễn Thị Bình đang đi khảo sát tình hình các tỉnh phía Nam. Tôi yêu cầu anh Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban biên tập, Trưởng cơ quan thường trú Báo Nhân dân tại TP Hồ Chí Minh tìm mọi cách gặp đồng chí Nguyễn Thị Bình sớm nhất. Đồng chí Phó chủ tịch nước xem măng sét mới đã đồng ý, Tổng Bí thư hẹn tôi 16 giờ chiều 27-12 trình măng sét lên. Trong quá trình chuẩn bị ra Báo Nhân dân 8 trang (trước đó chỉ 4 trang), Ban biên tập báo rất xúc động trước sự quan tâm cụ thể, chi tiết của Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Đỗ Mười xem và góp ý cho Báo Nhân dân |
Khi là Phó tổng biên tập, tôi được dự thính các kỳ Hội nghị Trung ương; sau này đảm nhiệm Tổng biên tập, được tham gia không chỉ các kỳ Hội nghị, mà còn được dự thính nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi càng hiểu sự quan tâm đích thực của Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với công tác tư tưởng - văn hóa nói chung, mặt trận báo chí - xuất bản nói riêng. Đã không ít lần, đồng chí gợi ý với Ban Tư tưởng - Văn hóa: Sự nghiệp đổi mới và hội nhập ngày càng mở rộng, mà tờ báo Đảng chỉ có 4 trang không đủ chuyển tải thông tin đối nội và đối ngoại. Chính từ sự trăn trở ấy, Tổng Bí thư đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa làm việc với Báo Nhân dân triển khai ý kiến chỉ đạo này. Tôi thật sự xúc động, tại Hội nghị Trung ương II (Khóa VIII), theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng chí Nguyễn Đức Bình thay mặt Bộ Chính trị đã thông báo trước Hội nghị về chủ trương cho phép Báo Nhân dân từ 4 trang tăng lên 8 trang với măng sét mới; cho phép báo ra thêm ấn phẩm Nhân dân cuối tuần và Nhân dân hằng tháng; cho phép báo mở một số cơ quan thường trú ở nước ngoài; yêu cầu Ban biên tập tích cực chuẩn bị ra báo điện tử tiếng Việt, rồi tiếng Anh. Ký duyệt măng sét mới hôm trước, thì hai ngày sau, Tổng Bí thư nhắc đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 11 ngày 29-12-1996 về “Tăng cường đọc, mua báo và tạp chí Đảng”; trong đó nhấn mạnh, mỗi chi bộ Đảng phải có tờ báo Nhân dân hằng ngày và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên phải đọc và làm theo báo.
Tháng 12-1996, trên cương vị Tổng biên tập Báo Nhân dân, tác giả báo cáo với Tổng Bí thư Đỗ Mười các công việc cuối cùng đưa Báo Nhân dân từ 4 trang lên 8 trang với măng sét mới |
Tôi còn nhớ, chiều 28-12-1996, trong bộn bề công việc, Tổng Bí thư gọi tôi lên báo cáo những công đoạn cuối cùng ra báo 8 trang và các việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nghe xong, đồng chí nói, giọng thân tình: Ra báo 8 trang là cố gắng lớn, nhưng “nuôi” nó tồn tại lâu dài với phương châm đúng, trúng, hay, hấp dẫn là khó lắm đấy! Ban biên tập cần có những cuộc họp chuyên đề, đặc biệt lắng nghe các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu, cán bộ tuyên giáo các địa phương, Tổng biên tập các tờ nhật báo… góp ý kiến. Theo hướng đó, Ban biên tập đã mở hội nghị cộng tác viên tiêu biểu ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Riêng hội nghị tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Bình đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Tổng Bí thư Đỗ Mười và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh tại Phủ Chủ tịch |
Có được cơ ngơi như hôm nay, tập thể Báo Nhân dân không bao giờ quên ơn Tổng Bí thư Đỗ Mười. Xin nêu hai câu chuyện tiêu biểu: Khi một nhóm kiến trúc sư của Hà Nội trình bản thiết kế quy hoạch lại khu vực Hồ Gươm, thì có phương án lấy nửa phần đất của báo để nối thông phố nhà Thờ ra Hồ Gươm với lý do: Để thu hút khách du lịch, cần tận dụng cây đa cổ thụ hơn 300 năm ở giữa Tòa soạn để du khách chiêm ngưỡng. Biết tin, Tổng Bí thư gọi Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm nói rằng, việc làm đó chỉ chú ý một mặt, không nghĩ đến mặt chính trị. Vì đây là một trong những bộ mặt của Đảng ta; tờ báo là cơ quan Trung ương của Đảng cầm quyền. Mặt khác, mở thông con đường này Báo Nhân dân chỉ còn nửa diện tích, cán bộ, phóng viên làm việc ở đâu? Vậy là từ đó, cây đa vẫn thuộc khuôn viên của báo, vẫn xanh suốt bốn mùa; nơi đón nhiều đoàn khách quốc tế vào thăm chụp ảnh. Và cũng từ đó, nhiều bạn bè khắp năm châu biết trụ sở Báo Nhân dân.