Sau Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN...
Sau Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN...
Để phát hiện tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, người đứng đầu phải thường xuyên, chủ động tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và công tác thanh tra cũng được chú trọng. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Đối với một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết tích cực, khẩn trương, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Qua đó, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tự kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đoàn thể. Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã phát hiện, xử lý 14 vụ/17 trường hợp. Tổng giá trị sai phạm tham nhũng trên 3,6 tỷ đồng, đã thu hồi trên 3,1 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 85,2%).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải đặc biệt quan tâm đến công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo, tin báo tham nhũng, đảm bảo giải quyết kịp thời, dứt điểm, tránh vượt cấp, kéo dài. Qua giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại, tin báo tham nhũng, đã phát hiện 6 vụ/6 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng.
Từ sự quyết liệt của Tỉnh ủy, các địa phương cũng chú trọng thực hiện nhiệm vụ này. Đơn cử như tại huyện Lạc Dương, ông Nguyễn Quang Nhiên - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lạc Dương cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên là Huyện ủy viên và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Công tác thi hành kỷ luật đảng viên được thực hiện bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Đảng. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, có 28 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Cụ thể, có 19 đảng viên bị khiển trách, 7 đảng viên chịu hình thức cảnh cáo, đặc biệt có 1 đảng viên bị cách chức, 1 đảng viên bị khai trừ. Công tác kỷ luật được thực hiện nghiêm đã góp phần giáo dục, răn đe, đồng thời khắc phục được các sai phạm trong quản lý, lãnh đạo, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Còn tại huyện Đam Rông, từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có 37 cuộc thanh tra được thực hiện, một số sai phạm đã được phát hiện, tuy nhiên không phát hiện hành vi tham nhũng. Cụ thể, phát hiện sai phạm trên 3,8 tỷ đồng trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính... Các sai phạm đã được chuyển cơ quan chức năng xử lý, thu hồi số tiền vi phạm và yêu cầu khắc phục bổ sung.
Cùng với đó, thông qua việc lắng nghe tiếng nói từ nhân dân, các hành vi tiêu cực, tham nhũng tại địa phương cũng dần được sáng tỏ. Hiện, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN; thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội…
Sau các vụ tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng cũng bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng được tiến hành. Các cá nhân chịu trách nhiệm trong việc tham nhũng lần lượt chịu các hình thức xử lý của pháp luật, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Đồng thời lãnh đạo tỉnh còn thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ. Cụ thể, toàn tỉnh có 507 lượt cán bộ, công chức, viên chức đã chuyển đổi vị trí công tác khi đến thời hạn chuyển đổi.
Tuy vậy, theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, vẫn còn nhiều bất cập đang tồn tại trong công tác PCTN. Trong đó, điều đáng nói là việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Còn ít tổ chức đảng chủ động lãnh, chỉ đạo việc tự kiểm tra, tự phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Chưa động viên, khuyến khích được nhiều người dân tố cáo tham nhũng... Đó là những vấn đề đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ PCTN thời gian tới.
Những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Qua đó, cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực, khí thế để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển.
N. NGÀ