Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội với 44 đại biểu phát biểu, hai đại biểu tham gia tranh luận, các Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Xuân Cường giải trình thêm về các vấn đề được quan tâm.
Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội với 44 đại biểu phát biểu, hai đại biểu tham gia tranh luận, các Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Xuân Cường giải trình thêm về các vấn đề được quan tâm.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum A Pớt phát biểu |
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận chiều 26/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và mời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Y tế tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.
Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn Yên Bái bày tỏ đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra, đồng thời khẳng định việc phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nhiều chính sách phù hợp nhưng nguồn lực còn hạn chế như đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các dân tộc rất ít người; đề nghị rà soát lại các chính sách, bố trí nguồn lực bảo đảm hiệu quả hơn.
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định kiến nghị các giải pháp hỗ trợ ngư dân đánh bắt đáp ứng các quy định của EU, khôi phục các hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt, hỗ trợ ngư dân ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của kinh tế chia sẻ...
Đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên - Huế cho biết cử tri Thừa Thiên Huế vui mừng với những kết quả phát triển kinh tế xã hội, với nhiều chủ trương đột phá đi vào cuộc sống như cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, xây dựng Chính phủ điện tử...
Đại biểu cũng kiến nghị với Quốc hội về chủ trương di dời dân cư ra khỏi di tích Kinh thành Huế; đề nghị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia; kiến nghị các giải pháp về phát triển đô thị bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu: Giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, có những vấn đề phát hiện ra rồi nhưng cần sự chung tay khắc phục.
Về thi cử, Bộ thực hiện theo Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó thực hiện đổi mới thi cử, trong đó có lộ trình, gắn với đổi mới sách giáo khoa, thực hiện một kỳ thi đánh giá được năng lực của học sinh THPT và là cơ sở để các đại học xét tuyển.
Công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng, từng năm đều có cải thiện tốt hơn, khâu bảo mật được chú trọng. Việc tổ chức chấm thi, thanh tra qua các năm thì mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội đã được chứng minh, người dân đón nhận. Về tính khách quan cũng đã khá rõ, về trung thực thì cần khắc phục tối đa, năm vừa rồi có vấn đề chúng tôi đã xử lý, khi phát hiện sai phạm thì chúng tôi báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng, phối hợp với Bộ Công an làm rõ, sai đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy chế, đã xử lý 11 người và làm đúng quy chế với 151 em.
Điểm thứ hai, trong quá trình xử lý, rà soát toàn bộ quy trình thi, chấm thi, chúng tôi xét thấy quy trình thì đầy đủ nhưng khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần chuẩn bị tốt hơn. Còn phần mềm và công nghệ thì chúng tôi chưa lường hết, vẫn còn sơ hở, có người khai thác và chúng tôi đã xử lý, đã họp tất cả các Giám đốc Sở, trong Bộ cũng đã kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, rút kinh nghiệm...
Qua kỳ thi, chúng tôi rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Kiên định đổi mới thi cử, trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục ổn định kỳ thi, khắc phục những điểm cần thiết.
Về sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết: Trước đây, Nghị quyết 40 của Quốc hội năm 2000 đã yêu cầu chỉ một bộ sách giáo khoa, theo Luật Xuất bản thì thực hiện giao cho Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, điều này có nhiều bất cập. Do đó, Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình thì sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, giao Bộ chủ động xây dựng một bộ sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa khác. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các thầy cô chủ động trong phương pháp và phù hợp với các vùng miền. Tới đây, khi ban hành chương trình mới, sách giáo khoa phổ thông, cũng sẽ hạn chế việc vẽ, tô vào sách, tránh sự lãng phí.
Về giáo viên, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, việc sử dụng giáo viên phân cấp cho các địa phương, Bộ trưởng đề nghị các địa phương không giảm biên chế giáo viên và Bộ cũng đã thống nhất với các bộ ngành về biên chế giáo viên theo định mức học sinh của các lớp.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An cho rằng trong thời gian qua, việc hoàn thiện thể chế tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh đã được đẩy mạnh, Chính phủ đã ban hành 135 nghị định trong năm 2018, trình Quốc hội 16 dự án luật, cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh, có địa phương cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục tới 32 ngày, được người dân và doanh nghiệp ghi nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thể chế chính sách không phù hợp, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, doanh nghiệp; tình trạng các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, nhiều dự án luật lùi tiến độ; tình trạng nợ đọng văn bản giảm qua các năm nhưng chưa triệt để...
Đại biểu kiến nghị, với các quy định có tác động tới đời sống người dân cần lấy ý kiến rộng rãi, thực chất, tiếp thu các góp ý; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, liên thông thực hiện thủ tục...
Đại biểu Y Khút Niê, đoàn Đắk Lắk, đại biểu Tống Thanh Bình, đoàn Lai Châu đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, bày tỏ tin tưởng kinh tế xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Các đại biểu nêu các kiến nghị liên quan tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; công tác bố trí, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; bảo vệ và phát triển rừng...
Nêu rõ cử tri đánh giá cao các nỗ lực, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, nhất trí cao với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra,
đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn Hậu Giang, đại biểu Trương Anh Tuấn, đoàn Nam Định đề cập một số vấn đề phát triển nông nghiệp, như các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, kiến nghị sớm triển khai các dự án liên kết vùng như dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ở ĐBSCL; đề nghị xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người có công...
Nhắc đến một loại gạo của Việt Nam được vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất thế giới tại một sự kiện quốc tế, đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng cần xây dựng các thương hiệu nông sản mạnh, có giải pháp vinh danh các thương hiệu nông sản hàng đầu của Việt Nam.
Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang cũng khẳng định các chỉ tiêu kinh tế xã hội là rất tích cực. Đây là thành công rất to lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội và sự vào cuộc của Chính phủ. Tuy nhiên, cần phát huy cao hơn hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng lãng phí, nâng cao hiệu quả các công trình.
Đại biểu kiến nghị nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, trong đó cần đẩy mạnh giải pháp đấu thầu qua mạng mà Chính phủ triển khai đang rất được hoan nghênh; rà soát định mức xây dựng cho phù hợp. Cần làm rõ tại sao một số dự án khi triển khai người dân mới biết. Phát huy hiệu quả, khắc phục các bất cập trong việc triển khai các dự án BT, BOT...
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng hết tháng 9, nông nghiệp tăng trưởng rất cao. Trong khi trên thế giới thiên tai tác động rất lớn, Việt Nam chỉ thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng so với thiệt hại 60 nghìn tỷ đồng năm ngoái. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng luôn lưu ý không được phép chủ quan.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, độ mở rất lớn, từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, vẫn phải tăng cường các biện pháp đề phòng rủi ro với sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho biết, các nhà khoa học đã cảnh báo những tác động về El Nino, cần có các giải pháp thích ứng ngay để không chỉ giữ thành quả năm 2018 mà còn củng cố và tiếp đà cho năm 2019.
Vẫn theo Bộ trưởng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Quốc hội về xây dựng nông thôn mới, năm nay đã đạt 40,3% số xã, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, sang 2019 chắc chắn sẽ đạt mục tiêu 50% số xã, tức đi trước 1 năm. Bộ 19 tiêu chí nông thôn mới đã được Chính phủ ban hành phù hợp với các vùng miền, không còn địa phương nào phản ánh không phù hợp nữa. Về nguồn lực, ngân sách nhà nước đã đầu tư 63 nghìn tỷ, gấp 4 lần giai đoạn 2010-2015, các cơ chế đã thực sự đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, như đại biểu Bùi Sĩ Diến đề cập, cần tập trung hơn nữa vào môi trường, văn hóa xã hội, sản xuất, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã thúc đẩy nội dung này.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, hiện đang chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, thể hiện ở sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng; nông sản xuất khẩu đi 180 quốc gia, trong 5 năm đạt 200 tỷ USD, thặng dư 50 tỷ USD... Giá gạo xuất khẩu trước đây thấp thì nay đã cao hơn.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt phát biểu |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa cho rằng việc giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân là mục tiêu rất quan trọng, đây là một trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Chúng ta đang xây dựng nhà ở cho hơn 244 nghìn hộ người có công, Chính phủ đã bố trí nguồn lực nhưng các địa phương vì nhiều lí do khác nhau chưa triển khai đồng bộ, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
Đại biểu đề nghị nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho nhà ở công nhân.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tập trung xây dựng hệ thống chính sách để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hiện nay mới có khoảng 30% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Bình Thuận cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã hoàn thành 12/12 mục tiêu cho năm 2018, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP cao nhất từ 2011 trở lại đây, sản xuất nông nghiệp tăng cao so với giai đoạn 2012 tới đây. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và những bức xúc của nhân dân. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế như báo cáo của Chính phủ đã nêu, đề nghị cần làm rõ địa chỉ của bộ ngành, địa phương và nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Đồng tình với 9 giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo, đại biểu đề nghị có các giải pháp đủ mạnh, căn cơ hơn để phát triển ngành nông nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản, tận dụng ưu thế, tạo đà phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3 để đáp ứng nhu cầu nước của tỉnh Bình Thuận; xem xét điều chỉnh chính sách với người cao tuổi cho phù hợp, bảo đảm công bằng hơn...
Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm sâu, nhưng các hộ nghèo vẫn tập trung ở một số địa phương khó khăn như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông... Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp. Tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương vẫn diễn ra... Đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để khắc phục, như phân cấp cho chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế...
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM cho rằng, kinh tế - xã hội 9 tháng đạt kết quả tăng trưởng GDP ấn tượng, dự kiến vượt kế hoạch cả năm, các thành tố của tổng cầu tăng cao trên 2 con số, trên 11%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung. Xét về cung, lực lượng lao động của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tích lũy vốn, đầu tư của nền kinh tế tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thời gian sắp tới sẽ áp lực lớn với chính sách tiền tệ và tỷ giá, vì vừa qua chúng ta đã tăng nhẹ tỷ giá so với đồng USD để bảo đảm tính cạnh tranh cho một số mặt hàng xuất khẩu, tác động từ căng thẳng thương mại, chính sách bảo hộ của một số quốc gia... Chi phí logistics, kho bãi, vận tải còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới chính sách tiền tệ và tỷ giá phải mang tính thận trọng để không gây áp lực lên chi phí cho doanh nghiệp.
Đại biểu cũng cho rằng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa có đánh giá toàn diện về việc chuyển giao công nghệ hay tiếp thu kỹ năng quản lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long cho rằng những kết quả tích cực về giáo dục-đào tạo đã củng cố niềm tin trong nhân dân, nhưng cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề: Thực hiện tốt hơn công tác hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, thanh niên trong bối cảnh nhiều học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không tiếp tục học đại học, làm tốt hơn công tác phân tích, dự báo nghề nghiệp trong tương lai, tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng lao động, thu hút sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp trong đào tạo lao động...
Đại biểu Bùi Thanh Toàn, đoàn Hải Phòng tranh luận với ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai sáng 26/10 liên quan tới đất quốc phòng tại Hải Phòng. Đại biểu Bùi Thanh Toàn cung cấp thêm thông tin về nội dung này.
Đại biểu A Pớt, đoàn Kon Tum thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, kiến nghị một số nội dung. Thứ nhất, nhiều năm nay ngân sách khó khăn, chi đầu tư phát triển dựa nhiều vào vốn vay, nợ công tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng trên đã được cải thiện đáng kể, 2017, Chính phủ đã tiết kiệm 69 nghìn tỷ chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên giảm xuống, đây là thành tựu cần được ghi nhận, đánh giá cao, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Thứ hai, kinh tế-xã hội các vùng miền núi có nhiều cải thiện trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm… Việc thực hiện chính sách cho miền núi đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đồng bào, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, do đó cần rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, xây dựng chính sách hiệu quả hơn, bố trí đủ kinh phí cho các chương trình này, rà soát, sắp xếp lại các nông lâm trường không hiệu quả để bố trí đất cho đồng bào thiếu đất sản xuất...
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận buổi chiều,
Đại biểu Phan Thanh Bình, đoàn Quảng Nam đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực chung, chúng ta đã đạt và vượt 12 chỉ tiêu năm 2018. Nhìn tổng thể, có thể thấy rất rõ xu thế phát triển chung của đất nước trong những năm gần đây, niềm tin của nhân dân ngày càng được tăng cường, vị thế đất nước được nâng cao.
Tuy nhiên, đại biểu nêu một số vướng mắc và kiến nghị trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đất đai… cụ thể là bổ sung kinh doanh dịch vụ bồi thường, tái định cư vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước, nhất là về chính sách thuế với linh kiện, phụ tùng để kéo giảm giá thành sản xuất ô tô trong nước.
Cũng theo đại biểu, thực tế hiện đang rất khó điều chỉnh và bố trí biên chế giáo viên, ví dụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý được giáo viên cấp THPT, còn từ mầm non đến cấp THCS đã phân cấp cho chính quyền địa phương.
Quốc hội đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế-xã hội
Trước đó, trong buổi sáng, đã có 27 đại biểu phát biểu. Đại biểu Quốc hội bày tỏ phấn khởi trước bước phát triển ngoạn mục của đất nước trong khi đầu nhiệm kỳ "bề bộn những khó khăn", "cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn"; đồng thời cũng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đại biểu Trần Chí Quang, đoàn Đồng Tháp cho rằng, những thành quả đạt được đã tạo niềm tin sâu sắc trong xã hội, tăng trưởng GDP tăng cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 tới nay. Các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân, cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội bày tỏ: Cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước. Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên.
Các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai, Quảng Văn Hương, đoàn Sơn La đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội, các kết quả đạt được, đồng tình với các hạn chế, yếu kém, các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ được nêu ra trong các báo cáo; tin tưởng với quyết tâm cao sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển cho năm 2019.
Các đại biểu đồng thời kiến nghị giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng tín dụng đen; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bố trí đủ nguồn lực cho phòng chống, ứng phó thiên tai; đầu tư thêm cho giao thông vùng Tây Bắc; quan tâm hơn nữa đến chính sách bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực miền núi; quan tâm đầu tư hơn nữa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An nêu rõ: 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu, trong khi nhìn lại đầu nhiệm kỳ với bề bộn những khó khăn.
“Tại thời điểm đó tôi và nhiều đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng, bây giờ đứng trên thành công nhìn lại thấy hết sức khâm phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua như báo cáo của Chính phủ”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Lại Xuân Môn, đoàn Cao Bằng bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng và ước đạt năm 2018, cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng giảm mạnh phụ thuộc vào tài nguyên.
“Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt, thể hiện trên 5 điểm: Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sác đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Thứ năm, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an", đại biểu phát biểu./.
(Theo baochinhphu.vn)