Chuyện phải đâu mới lạ

09:10, 24/10/2018

(LĐ online) - Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước; và tại Kỳ họp thứ 6, ngày làm việc thứ 2 (23/10/2018) với 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020. 

(LĐ online) - Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước; và tại Kỳ họp thứ 6, ngày làm việc thứ 2 (23/10/2018) với 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020. Nhân dân, cán bộ, đảng viên cả nước đều rất đồng thuận. Vậy mà những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội, những kẻ thù địch không ngớt lời xuyên tạc: “Tổng Bí thư sẵn sàng cấu kết với Trung Quốc để thực hiện việc thôn tính Việt Nam và sẽ tìm mọi cách nắm giữ chức vụ Chủ tịch nước để dễ dàng thực hiện mục tiêu đó”. Chúng độc địa cho rằng “đó là đại họa không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn đối với những cán bộ, đảng viên đang phục vụ cho Đảng cộng sản Việt Nam”…
 
Chuyện không mới
 
Thực ra, việc một người vừa giữ cương vị lãnh đạo Đảng vừa là nguyên thủ quốc gia không phải là chuyện lạ và cũng chẳng phải chỉ có ở các nước một Đảng. Mới đây, trong cuộc bầu lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) ngày 20.9. 2018, đương kim Thủ tướng nước này, ông Shinzo Abe, đã được bầu lại làm Chủ tịch đảng LDP - đảng đang cầm quyền. Ở Nhật Bản, Chủ tịch đảng cầm quyền đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ; không được bầu Chủ tịch đảng thì không còn là Thủ tướng. Tương tự, ở Quốc đảo Singapore, Tổng Thư ký Đảng cầm quyền, đương nhiên là Thủ tướng Chính phủ. Ở Campuchia, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia đồng thời là Thủ tướng Chính phủ. Nhiều nước ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới cũng được tổ chức tương tự. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, sau năm 1991, đều kết hợp lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước. Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước. Ở Cu-ba, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng. Lào, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước; Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Tỉnh trưởng.
 
Trở lại Việt Nam, vấn đề này cũng không hề xa lạ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của Đảng; và từ tháng 2-1951, Người là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước cho đến khi Người qua đời (2-9-1969). 
 
Thời kỳ đổi mới, vấn đề Tổng Bí thư giữ cương vị Chủ tịch nước cũng từng được đưa lên bàn nghị sự. Rõ ràng, đây không phải là chuyện mới; không phải là mô hình của riêng Trung Quốc, càng không phải ta làm theo Trung Quốc mà là vấn đề mang tính phổ biến, xuất phát từ quan điểm, điều kiện của từng quốc gia và xu thế thời đại…
 
 Ý đồ ly gián lòng tin
 
Những kẻ thù địch đã cố tình phớt lờ lịch sử và sử dụng “yếu tố Trung Quốc” để đánh lừa nhận thức, ly gián lòng tin. Đây là thủ đoạn “quân bài gian lận”,  lấy sự kiện có thật rồi đánh tráo bản chất. Chúng lợi dụng sự kiện “giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu chủ tịch nước” rồi đưa yếu tố Trung Quốc bằng cụm từ: “cấu kết với Trung Quốc” để đánh vào “yếu điểm” của lòng dân, tạo nhận thức sai  lệch về bản chất. Chưa hết, đợt này, chúng còn ly gián cả cán bộ, đảng viên của Đảng.
 
Có phải là đại họa?
 
Về phương diện lý luận, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích: “Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch nước là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, thực hiện tốt Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng quyết định về hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước; lãnh đạo quá trình Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng và động viên tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước”. 
 
Về thực tiễn, vai trò Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ tăng cường vị thế người đứng đầu Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn cũng như trong đối nội và đối ngoại; sẽ thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hiện nay, chúng ta đang đồng loạt triển khai cải cách, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18 và 19 kỳ họp thứ 6, BCHTW Đảng khóa XII, vậy nên Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có ý nghĩa và tác động rất lớn trong kiến tạo bộ máy và nhân sự theo tinh thần “Thà ít mà tốt”… Cũng cần phải nói thêm rằng: “Đảng lãnh đạo toàn diện”, thành tựu hay sai lầm, khuyết điểm đều là do trách nhiệm của Đảng. Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, đương nhiên là người chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạch định chủ trương, đường lối và công tác quản lý, vận hành, tổ chức thực hiện…
 
Các thế lực thù địch cho rằng “đại họa” còn nằm ở “thâu tóm” quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” và cơ chế ấy không thể không có vai trò kiểm soát và giám sát của Nhân dân. Mặt khác, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã nhấn mạnh: Cương lĩnh, Điều lệ, những quy định của Đảng và mới đây là quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, chính là những biện pháp ngăn chặn sự tha hóa của quyền lực. Có thể, “lồng cơ chế” chống “tha hóa quyền lực” chưa hoàn hảo, nhưng không vì thế mà cho rằng Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là “đại họa” như những lời xuyên tạc.
 
Một góc nhìn khác, quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị - quyền lực của một tổ chức “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Với vai trò lãnh đạo và cầm quyền, Đảng cùng lúc phải thực thi hai loại quyền lực: Quyền lực chính trị (Đảng lãnh đạo) và quyền lực Nhà nước (Đảng cầm quyền). Quyền lực chính trị được thể hiện bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách và “tối thượng quyền lực” của Đảng là sự tích hợp quyền lực giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.” Còn quyền lực Nhà nước của Đảng là vai trò quyết định của Đảng trong tổ chức, xây dựng Nhà nước và kiểm tra việc thực thi quyền lực Nhà nước. Như vậy, về lý luận lẫn thực tiễn quyền lực Nhà nước không thể thoát ly quyền lực chính trị và sự cầm quyền của Đảng. 
 
Từ những luận giải trên cho thấy: Luận điệu xuyên tạc Tổng Bí thư đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước là “thâu tóm” quyền lực, là “đại họa”, hoàn toàn thiếu cơ sở lý luận lẫn thực tiễn, đánh lừa nhận thức, hạ thấp phẩm hạnh cá nhân, chống phá Đảng. Còn chiêu bài “Trung Quốc” đã là thủ đoạn quá cũ kỹ và thô thiển đến mức nực cười. 
 
Nhận diện rằng: Tổng Bí thư Đảng đồng thời giữ chức Chủ tịch nước hoàn toàn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, là đòi hỏi tất yếu của thời đại; rất hợp lòng dân không chỉ hôm nay mà còn cho cả tương lai.
 
L.V.T