Lâm Ðồng đã làm được (kỳ 1)

08:10, 23/10/2018

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, cả hệ thống chính trị ở Lâm Ðồng đã cùng vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn nhưng cũng đầy thận trọng để tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp tinh giản, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

[links(right)] Nghị quyết Trung ương 6 đã thực sự thổi làn gió mới, hay đúng hơn là điểm tựa vững chắc để Lâm Ðồng mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
 
Sự đồng thuận của những người tiên phong
 
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, cả hệ thống chính trị ở Lâm Ðồng đã cùng vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn nhưng cũng đầy thận trọng để tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp tinh giản, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
 
Triển khai Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Đảng là bước đi mạnh mẽ đầu tiên của Lâm Đồng trong thực hiện sắp xếp bộ máy
Triển khai Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Đảng
là bước đi mạnh mẽ đầu tiên của Lâm Đồng trong thực hiện sắp xếp bộ máy

Góc nhìn của người ngoài cuộc
 
Từ 1/6/2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ còn Văn phòng Tỉnh ủy (VPTU) phục vụ chung cho cấp ủy và tất cả các ban xây dựng Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, thay vì mỗi ban có một văn phòng như trước đây (Theo Đề án số 03 của BTV Tỉnh ủy). 
 
Trước sự kiện sáp nhập này, bài viết “Lâm Đồng làm được thì địa phương khác cũng làm được” đăng trên Báo Lao Động online ngày 1/6/2018 của tác giả Lê Thanh Phong đã khách quan đánh giá và thừa nhận: “Đây là sáng kiến tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và Tỉnh ủy đã gương mẫu thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII cho các đơn vị khác noi theo. Chắc chắn sáp nhập theo đề án này, chỉ có lợi cho cái chung. Đối với những người bị mất chức, cũng nên vì cái chung mà đồng thuận. Không có cải cách nào không động chạm đến quyền lợi của những cá nhân trong hệ thống cũ, nhưng không cải cách thì không thể tiến bộ. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã vận động những người bị thiệt thòi khi sáp nhập, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Tạo được niềm tin, sự ủng hộ của tập thể, của các cá nhân để thực hiện đề án là sự thành công của Tỉnh ủy Lâm Đồng”.
 
Tác giả này cũng cho rằng: “Lâm Đồng và còn địa phương nào nữa? Chúng ta thử hình dung, tỉnh ủy, thành ủy của cả nước này đều làm theo mô hình sáp nhập Văn phòng phục vụ chung như Tỉnh ủy Lâm Đồng thì sẽ tinh gọn bộ máy của các cơ quan Đảng, tiết kiệm ngân sách cho quốc gia. Một mô hình cải cách thiết thực, hiệu quả, không thể không nhân rộng. Và còn nữa, có nhiều tổ chức, đoàn thể, đơn vị có thể vận dụng mô hình này, sáp nhập để tinh gọn bộ máy. Sáp nhập là cần thiết, mô hình đã quá rõ, vận dụng không khó, cản ngại lớn nhất chính là con người. Sáp nhập sẽ đụng chạm đến lợi ích cá nhân, mất lòng người này, được lòng người khác, đôi lúc còn chia phe cánh, đấu đá, mất đoàn kết. Nhưng tất cả những trở ngại đó sẽ trở thành vô nghĩa nếu như lãnh đạo địa phương quyết tâm thực hiện, minh bạch, trong sáng, đồng lòng vì mục đích chung”.
 
Liệu sự nhận xét ấy có chủ quan hay tô hồng đối với Lâm Đồng, câu trả lời là hoàn toàn không. Ông Trần Đình Văn - Chánh VPTU Lâm Đồng cho biết: Đề án này không chỉ giảm các công việc kế toán, văn thư - lưu trữ, thủ quỹ của các ban Đảng, mà ngay tại VPTU cũng đã giảm được 3 phòng và 13 trưởng, phó phòng. Sau khi sắp xếp, từ 6 phòng như trước đây VPTU chỉ còn lại 2 phòng khối Tham mưu - Tổng hợp và Nhà khách. Tổng số hợp đồng lao động sau khi sáp nhập có 58 người. Việc sáp nhập vẫn giữ nguyên đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên; tiếp nhận thêm nhiệm vụ kế toán, thủ quỹ, văn thư - lưu trữ, lái xe các ban Đảng về VPTU nhưng không tăng biên chế; chỉ tiếp nhận số hợp đồng lái xe từ các ban Đảng. Việc sáp nhập được dựa trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều chức năng, một người có thể đảm nhận nhiều việc và một việc chỉ giao cho một người hoặc một bộ phận chủ trì chịu trách nhiệm chính, nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo và nhiều khâu trung gian trong xử lý công việc. Đồng thời, nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức”. 
 
Thời cơ để thay đổi
 
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Cùng với việc thực hiện Đề án 03, các ban xây dựng dựng Đảng của Tỉnh ủy cũng đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy. Trong đó, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy là những đơn vị đi đầu. Theo đó, các ban này vẫn giữ phòng để dễ quản lý theo mảng, nhưng xóa bỏ các chức danh trưởng, phó phòng, thay vào đó thực hiện chế độ chuyên viên trực tiếp và lãnh đạo ban sẽ trực tiếp phụ trách các mảng. Sẽ không là vấn đề nổi bật, đáng lưu tâm, nếu như biết rằng, trước đây ở hai ban này có nhiều phòng chỉ có lãnh đạo mà không có nhân viên.
 
Bà Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Sau khi chuyển mảng hành chính về VPTU phụ trách chung, mọi việc vẫn được vận hành ổn định. Cán bộ làm công tác hành chính trước đây nay tập trung hơn cho chuyên môn. Tư tưởng anh em ổn định. Bộ máy Ban tinh gọn bớt cồng kềnh”.
 
“Đảng viên đi trước …”, có lẽ câu nói đó chưa bao giờ hợp lý và sát thực hơn để đối chiếu, so sánh với những việc làm cụ thể, kế hoạch đã được Tỉnh ủy Lâm Đồng triển khai ở tại thời điểm hiện tại.
 
Ngay sau khi Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực” tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành; Tỉnh ủy Lâm Đồng gần như tức thì ban hành Kế hoạch số 48 để các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên. Kế hoạch này đã xác định rõ nhiệm vụ theo lộ trình, nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức cần phải thực hiện.
 
Với tinh thần “Cấp ủy đảng gương mẫu đi đầu”, nên việc đi vào thực hiện Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Đảng Tỉnh ủy là bước đi đầu tiên. Cùng với đó, Lâm Đồng đã chọn 3 địa phương, gồm: Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và hai đơn vị là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở Khoa học - Công nghệ làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng trong toàn tỉnh.
 
Sự chủ động sau những nghị quyết
 
Không phải bây giờ Tỉnh ủy Lâm Đồng mới có những động thái quyết liệt để triển khai các đề án. Trước mỗi nghị quyết, Tỉnh ủy Lâm Đồng đều thể hiện sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm để thay đổi.  
 
Trước đó, sau khi Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” được ban hành, BTV Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm tổ chức lại bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng tinh gọn, đồng bộ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực ngày càng cao đáp ứng yêu cầu chính trị. 
 
Đầu năm 2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Đề án 02 về vấn đề “Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp tỉnh Lâm Đồng”. Với mục tiêu cụ thể, đó là giảm biên chế một cách hợp lý và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đến năm 2021 tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10% tổng biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước. 
 
Chính Đề án 02 đã tạo tiền đề quan trọng về các bước đi “thấu tình đạt lý” trong việc sắp xếp lại bộ máy, nhất là vấn đề tư tưởng trong cán bộ, công nhân viên để Lâm Đồng có nhiều thuận lợi khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trên cơ sở những kết quả bước đầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 39. 
 
Rất khó, nhưng cùng một lúc, hiện nay ba nhiệm vụ trên đã được Lâm Ðồng thực hiện trong sự chủ động, quyết tâm cao và bằng những việc làm cụ thể.
 
Liệu đó có phải là may mắn hay ngẫu nhiên thuận lợi? Sự nhập cuộc bằng cái nhìn khách quan với tình hình thực tế của địa phương, thẳng thắn thừa nhận trước những tồn tại, hạn chế đã giúp cho Lâm Đồng đạt được những thành công nhất định. 
 
Ông Trần Duy Hùng - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẳng thắn thừa nhận: “Trước đây, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến địa phương cho thấy rõ việc bố trí vẫn chưa thật sự tinh gọn, chức năng nhiệm vụ của nhiều phòng, ban còn chồng chéo hoặc bị bỏ sót dẫn đến sự né tránh khi được giao nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu lực lượng có trình độ chuyên môn sâu, có khả năng dự báo, nắm bắt và xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở… dẫn đến công tác tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số nội dung chưa đảm bảo yêu cầu. “Bắt bệnh” và không vì thành tích che giấu đi những yếu kém đã giúp cho Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6”. 
 
Dấu ấn đọng lại 
 
“Việc lựa chọn VPTU làm đơn vị điểm để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện sự gương mẫu đi đầu của cấp ủy. Đây là bước đi tiên phong mạnh mẽ, sự đổi mới quan trọng” nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các ban Đảng sau khi bàn giao một số nhiệm vụ cần tập trung chủ động sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Đề án vị trí việc làm. UBND tỉnh khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong của các sở, ngành. Các huyện cũng cần triển khai thực hiện nội dung này nghiêm túc, hiệu quả. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất cao của toàn Đảng bộ tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6” - đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
 
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và các ban Đảng họp rút kinh nghiệm mỗi tuần một lần trong tháng đầu tiên. Chánh VPTU Trần Đình Văn cho biết: Thời gian đầu triển khai là giai đoạn khó khăn nhất, việc tăng mà con người vẫn giữ nguyên, tuy nhiên qua tháng đầu triển khai đề án đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Qua thực tế tổng hợp đánh giá từ các ban của Tỉnh ủy và thực tế tại VPTU cho thấy, công tác văn thư và quản trị phục vụ chung cho các ban Đảng đảm bảo yêu cầu đặt ra. Công tác tham mưu, tổng hợp được đảm bảo chất lượng, đồng thời tính chủ động, sáng tạo của từng chuyên viên cũng được nâng lên. Thời gian đầu, công tác kế toán, thủ quỹ phối hợp chưa thật nhịp nhàng song hiện nay đã đi vào quỹ đạo. Công tác văn thư, lưu trữ cho thấy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm tối đa về thời gian và văn phòng phẩm. Trong tháng, hơn 2.600 văn bản đến và hơn 600 văn bản đi của VPTU và các ban Đảng đều được thực hiện tốt. Để thực hiện Đề án 03, VPTU đã áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc hàng ngày của Thường trực Tỉnh ủy, VPTU, các ban Đảng của Tỉnh ủy thông qua phần mềm “Gửi, nhận và xử lý văn bản trên mạng internet”. 
 
Đây là phần mềm tự thiết kế, xây dựng giúp cho việc xử lý các văn bản đến và đi nhanh chóng, linh hoạt hơn, góp phần quan trọng vào thực hiện Đề án.

Kỳ 2: Soi chiếu từ cơ sở
TUẤN LINH - NGỌC NGÀ