Nghị quyết có đi vào cuộc sống, một kế hoạch - đề án khi triển khai có thành công? Hoàn toàn không phải được đánh giá qua những con số thống kê hay báo cáo thành tích với những gạch đầu dòng khô khốc đầy ngôn ngữ văn bản.
Soi chiếu từ cơ sở
[links(right)]
Nghị quyết có đi vào cuộc sống, một kế hoạch - đề án khi triển khai có thành công? Hoàn toàn không phải được đánh giá qua những con số thống kê hay báo cáo thành tích với những gạch đầu dòng khô khốc đầy ngôn ngữ văn bản. Dấu ấn đọng lại với những kết quả khả quan, hy vọng phải được soi chiếu từ góc nhìn thực tế ở cơ sở. Ở đó, mới là tiếng nói của sự đồng thuận, của lòng dân, của tập thể và mục tiêu chung hướng tới những điều tốt đẹp.
|
Trong các đợt làm việc tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thường xuyên quan tâm kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết TW6. Ảnh: H.Sang |
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định sáp nhập và chỉ tính riêng trong quý III/2018, đã giảm được 11 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, 12 đơn vị cấp huyện.
Đối với các đơn vị cấp tỉnh, Lâm Đồng đã thành lập Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh với Trung tâm Văn hóa tỉnh; sáp nhập Ban Quản lý Di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng; thu gọn 16 phòng chuyên môn của Trung tâm Văn hóa, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, Bảo tàng Lâm Đồng, Ban Quản lý Di tích Cát Tiên xuống còn 9 phòng chuyên môn; thành lập Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập Nhà Thiếu nhi với Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh.
Tại cấp huyện, sau khi thực hiện thí điểm tại 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, tỉnh đã ra quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tại toàn bộ 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trung tâm này được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa Đài Truyền thanh - truyền hình và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện.
Các quyết định sáp nhập diễn ra đồng loạt với số lượng lớn về công việc hành chính được chuyển giao, cùng với đó là yếu tố nhân sự đã giúp cho Lâm Đồng gặp nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 theo đúng lộ trình đã đề ra. Không thể tránh khỏi những trở ngại trong quá trình thực hiện, đặc biệt là vấn đề tâm lý con người trong quá trình sáp nhập, chuyển giao, nhưng xét về yếu tố tổng thể, đến thời điểm hiện tại những quyết định và kế hoạch đề ra của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã nhận được sự nhiệt thành hưởng ứng của đại đa số các tầng lớp dân cư đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
“Phép thử” liều cao
Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đạ Huoai là những huyện được Lâm Đồng chọn làm thí điểm khi triển khai Nghị quyết. Đây là những địa phương không nằm tốp đầu về kinh tế của tỉnh, dù đã có những bước phát triển khá ấn tượng trong những năm gần đây. Thêm vào đó, lịch sử phát triển của những vùng đất này sau khi thống nhất đất nước lại chứa đựng nhiều sắc màu văn hóa về đời sống, đặc trưng vùng miền rõ rệt, bởi sự di chuyển của nhiều cư dân ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước về đây sinh sống cùng với cư dân bản địa. Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đời sống của người dân nhiều nơi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế phần lớn vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp. Đây cũng chính là những lực cản lớn nhất để các địa phương này khó có thể tăng tốc, phát triển vượt bậc như những huyện, thành phố khác trong tỉnh.
Nhưng cũng chính vì những lý do đó, Tỉnh ủy Lâm Ðồng đã mạnh dạn chọn những nơi này làm điểm để triển khai Nghị quyết. Bởi việc tinh giản cán bộ, sắp xếp bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả, hiệu lực, thì những địa phương này chính là “phép thử” liều cao nhất để đánh giá lại mức độ hiệu quả chứ chưa nói đến thành công như kỳ vọng.
Ghi nhận tại Đạ Tẻh, ngay sau khi có Nghị quyết của Trung ương và kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy, BTV Huyện ủy đã gần như ngay lập tức ban hành các kế hoạch chi tiết về “Tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách các xã, thị trấn”; “Nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận”. Từ đó, các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan đơn vị, xã, thị trấn tùy vào tình hình thực tế tại địa phương triển khai xây dựng kế hoạch để thực hiện với quyết tâm cao và đảm bảo theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đạ Tẻh: “Việc sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Trong quá trình thực hiện sẽ có những ý kiến đồng thuận và người không đồng thuận, đây là một việc làm khó nhưng phải quyết tâm làm”.
Sau khi sắp xếp phải hiệu quả hơn
Sự quyết tâm ấy đã giúp cho Đạ Tẻh có được kết quả thành công ngoài mong đợi.
Đối với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ huyện. Thực hiện mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, kế toán Huyện ủy kiêm kế toán Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị; ban hành Quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, trong đó phân công các đồng chí cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy.
Đối với khối hành chính nhà nước, huyện đã xây dựng đề án và thông qua BTV Huyện ủy về việc sáp nhập Phòng Dân tộc, chuyển chức năng về Văn phòng HĐND & UBND huyện và một số phòng liên quan. Thực hiện mô hình Văn phòng HĐND & UBND huyện phục vụ chung các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện. Nghiên cứu sáp nhập, chuyển chức năng của Phòng Y tế về Văn phòng HĐND & UBND huyện và các cơ quan liên quan. Nghiên cứu triển khai thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ. Nghiên cứu triển khai thực hiện nhất thể hóa chức danh Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy đồng thời là Chánh thanh tra huyện. Tất cả những nội dung trên đều đã được xây dựng đề án và có lộ trình thực hiện tới năm 2021.
Đối với các xã, thị trấn: Thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND: Hiện nay toàn huyện có 4 xã thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; 5 xã và thị trấn Đạ Tẻh thực hiện Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; thị trấn Đạ Tẻh thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; 3 đơn vị không bố trí chức danh Phó Chủ tịch HĐND (thị trấn Đạ Tẻh, xã Hà Đông, Triệu Hải). Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở những xã có điều kiện; triển khai thí điểm bố trí Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm một chức danh chuyên trách.
Thực hiện tinh gọn bộ máy và biên chế cấp xã: Đến nay, cán bộ, công chức cấp xã giảm 23 biên chế (hiện có 226/249 biên chế được giao, giảm 9,23%); những người hoạt động không chuyên trách giảm 106 người (hiện có 113/219 người, giảm 48,4%), trong đó khối Đảng giảm 43/44 người (đạt 97,72%), khối chính quyền giảm 63/175 người (đạt 36%). Thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, cán bộ xã trực tiếp làm bí thư chi bộ tại các thôn, tổ dân phố: Hiện nay có 13 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (TDP); 26 cán bộ xã trực tiếp làm bí thư chi bộ. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có ít nhất 80% bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận.
“Huyện đã làm theo hướng lấy sự đồng thuận ngay từ cấp dưới lên, không thể thực hiện nếu chỉ áp lực từ trên xuống. Theo đó, Huyện ủy Đạ Tẻh đã yêu cầu Ban Tổ chức Huyện ủy thường xuyên làm việc sâu sát với cơ sở, lấy tình hình thực tế làm cơ sở xây dựng dự thảo và gửi ngược về các xã góp ý. Bởi thế, các kế hoạch được ban hành luôn chứa đựng trọn vẹn ý chí của các cấp, nên việc triển khai tại địa phương thuận lợi hơn. Bước đầu, việc sắp xếp kiện toàn lại đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Ðạ Tẻh đã phát huy tác dụng, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Ðặc biệt, sự sắp xếp thay đổi này còn góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong thời gian qua”, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đạ Tẻh khẳng định.
Trong lần làm việc tại huyện Đạ Tẻh và kiểm tra việc thực hiện nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận: “Ðạ Tẻh là một trong những địa phương đi đầu, quyết liệt và đổi mới trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với tinh giản biên chế…”.
Đạ Huoai, Huyện ủy đã xây dựng tất cả 17 đề án cho việc sắp xếp ở tất cả các đơn vị. Hiện tại, Đạ Huoai đã thực hiện được những đề án như: Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, đồng thời đang tiến hành thực hiện chuyển các chức danh vị trí việc làm của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện về Ban Tuyên giáo. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ huyện. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.
“Trong vấn đề sắp xếp lại bộ máy, yếu tố khó nhất là con người. Tuy Huyện ủy đã làm rất kỹ công tác tư tưởng, nhưng việc nảy sinh tâm tư trong cán bộ là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù các đề án được xây dựng với thời gian hoàn thành dự kiến là trong năm 2018, tuy nhiên khả năng hoàn thành rất khó, nhanh nhất cũng gần đến cuối năm 2019 mới cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết. Về phía Huyện ủy Đạ Houai, đã tập trung, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, bởi nếu cứ càng để kéo dài càng làm ảnh hưởng đến tâm tư anh em, dẫn đến giảm sút hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ” - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Đạ Huoai nói.
Ở Lâm Hà, hiện tại đã có 16/16 xã, thị trấn đã xây dựng Đề án vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế. 3/16 xã, thị trấn đã thành lập Văn phòng chung phục vụ Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã. Đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã tại xã Tân Thanh. 13/16 xã, thị trấn thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã, 2 đơn vị thực hiện Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã. Các xã thực hiện bố trí kiêm nhiệm đối với nhiều chức danh ở cấp xã, thôn…
Dù mới ở trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và đề án của Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhưng có thể khẳng định rằng, chất lượng hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, với Lâm Đồng, việc sắp xếp cần phải có lộ trình hợp lý, triển khai từng bước vững chắc, không nóng vội. Việc thực hiện tinh giản biên chế phải gắn với Đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo phương châm: Một công việc chỉ giao cho một người, một người có thể làm nhiều công việc. Và hơn tất cả, những con người, công việc ấy sẽ thật là một guồng máy đủ mạnh để có thể làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân, lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của người dân, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của mảnh đất Nam Tây Nguyên này.
Kỳ 3: Lâm Ðồng và thương hiệu của riêng mình
T.LINH - N. NGÀ