Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trước thực tế đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về văn hóa, trọng tâm là xây dựng đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường văn hóa, con người văn hóa có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đời sống văn hóa nhân văn, phong phú, đấu tranh chống các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, chống diễn biến hòa bình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong đó phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong những giải pháp trọng tâm.
Phong trào TDĐKXDĐSVH nhằm vận động người dân phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, làng, thôn, ấp, bản; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Phong trào ra đời như một luồng gió mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trở thành một phong trào tổng hợp gắn kết chặt chẽ các ngành, các lĩnh vực, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng tự nguyện thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Biểu hiện: Sự phát triển kinh tế thị trường kéo theo nhiều hệ lụy tác động đến đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân; sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau mất mát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến xã hội bức xúc; tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường một số nơi bị ô nhiễm nặng nề do tác động của con người ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.
Từ thực tế trên, quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được Trung ương chỉ đạo thực hiện toàn diện như một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong tình hình mới. Phong trào đã diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước khác, trở thành động lực mạnh mẽ, xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, làng xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, phấn đấu theo tiêu chuẩn con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong xây dựng và phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ các nội dung phong trào với thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; đấu tranh có hiệu quả trước âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Qua 18 năm thực hiện phong trào, cả nước có trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt; 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.482 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.
Để tiếp tục triển khai các nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH, thời gian tới cần đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò mục đích, ý nghĩa của phong trào. Coi đó là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt phải gắn các nội dung trong phong trào nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ IX, BCHTW Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện phong trào trong giai đoạn mới. Gắn các nội dung của phong trào với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Chỉ đạo tổ chức thực hiện đưa các nội dung tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, vận động mỗi người dân trước hết phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Phát huy tính tiên phong gương mẫu, đi đầu của đảng viên, người giữ chức vụ lãnh đạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm...
LAN HỒ