Tiếng nói cử tri Lâm Ðồng

09:10, 22/10/2018

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22/10 - 20/11/2018 với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi. Trước kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22/10 - 20/11/2018 với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi. Trước kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ðã có 1.500 cử tri Lâm Ðồng tham dự các buổi tiếp xúc với gần 150 lượt ý kiến thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tại kỳ họp. 
 
Cử tri Lâm Đồng kiến nghị Quốc hội nhiều vấn đề nóng liên quan đến giáo dục và bảo vệ phát triển rừng.  Ảnh: N.Thu
Cử tri Lâm Đồng kiến nghị Quốc hội nhiều vấn đề nóng liên quan đến giáo dục và bảo vệ phát triển rừng.
Ảnh: N.Thu

Đối với lĩnh vực giáo dục, nhiều vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân, cử tri kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để có đánh giá sâu hơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua; từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp căn cơ giải quyết những tồn tại, hạn chế liên quan đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên, vấn đề sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới, tiêu cực trong thi cử… Ngoài ra, cử tri Lâm Đồng còn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất Chính phủ tiếp tục cho bảo lưu phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý khi được điều động, biệt phái về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Văn phòng Chính phủ cần có văn bản thay thế Công văn số 11025 để thống nhất trên toàn quốc cho phép các đơn vị trường học được phép tuyển dụng nhân viên y tế, kế toán, không thể để tùy từng địa phương như hiện nay. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm hoàn thiện chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục theo hướng tinh gọn, giảm tải và gắn với thực tế trải nghiệm sáng tạo; tập trung đầu tư ưu tiên cho phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; đồng thời có chính sách đãi ngộ tăng lương, tiền thưởng, hỗ trợ học phí đối với những cán bộ, nhà giáo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trên chuẩn. 
 
Năm học mới 2018 - 2019 đã khai giảng, vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa phù hợp. Đáng lưu ý, một số địa phương còn vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên; công tác phân công, phân cấp, phối hợp về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn bất cập… Từ thực tế trên, cử tri Lâm Đồng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra kế hoạch cụ thể, hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên.
 
Về lĩnh vực tài nguyên, cử tri Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần có kênh thông tin riêng để tiếp nhận những phản ánh thường xuyên của địa phương, của nhân dân về những nội dung bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 để kịp thời hoàn chỉnh các chính sách về đất đai.
 
Có ý kiến cử tri cho rằng, việc xây dựng đất ở không phải là nhà ở như khách sạn, văn phòng làm việc, giao dịch, cửa hàng kinh doanh… hiện nay là phổ biến. Tuy nhiên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chưa có quy định phải đăng ký chuyển mục đích từ đất ở sang đất thương mại - dịch vụ, đất sản xuất - kinh doanh cho phù hợp hoặc ngược lại chuyển đổi từ đất thương mại - dịch vụ sang đất ở, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.
 
Do đặc thù đất đai vùng Tây Nguyên, khi sản xuất nông nghiệp, làm nhà ở cần thiết phải san ủi để cải tạo mặt bằng, Luật Đất đai năm 2003 có quy định thủ tục hành chính về nội dung này để xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai năm 2013 không có quy định này nên đã phát sinh nhiều trường hợp san, ủi để cải tạo mặt bằng tự do làm ảnh hưởng đến địa hình khu vực. Nhưng thực tế hiện nay, do không có cơ sở pháp lý nên không xử lý hành chính được. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, bổ sung quy định và hướng dẫn xử lý những vướng mắc nêu trên, làm cơ sở cho địa phương Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện.
 
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Lâm Đồng đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Đối với vấn đề này, cử tri Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương; đồng thời, có kế hoạch để hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp khi có hiệu lực thi hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng như quy định của Thủ tướng Chính phủ; qua đó, góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan đang ngày một bị tàn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. 
 
NGUYỆT THU