Xây đắp nền tảng "ý Đảng hợp lòng Dân" vững chắc

06:10, 30/10/2018

(LĐ online) - Lòng dân là gốc của ý Đảng, ý Đảng phải xuất phát từ lòng dân, ý Đảng gặp lòng dân sẽ là nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, thường xuyên xây đắp, giữ gìn nền tảng "ý Đảng hợp lòng Dân" vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng của của công tác xây dựng Đảng; cũng là niềm mong mỏi của nhân dân, là "mệnh lệnh sống còn" của toàn Đảng hiện nay.
 

(LĐ online) - Lòng dân là gốc của ý Đảng, ý Đảng phải xuất phát từ lòng dân, ý Đảng gặp lòng dân sẽ là nền tảng cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, thường xuyên xây đắp, giữ gìn nền tảng “ý Đảng hợp lòng Dân” vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ quan trọng của của công tác xây dựng Đảng; cũng là niềm mong mỏi của nhân dân, là “mệnh lệnh sống còn” của toàn Đảng hiện nay.
 
Từ thời xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã hình thành và coi trọng tư tưởng “Dân là gốc”. Vua Trần Nhân Tông đánh giá rất cao vai trò của người dân: “Lòng dân là thành trì vững chắc nhất, được lòng dân là có cả thiên hạ”. Kết lòng dân tựa như xây bức tường thành kiên cố, mà chất keo gắn kết chính là lắng nghe, thấu hiểu và trưng dụng hiền tài. Nhà Vua luôn đưa ra và thay đổi kịp thời các luật lệ, chế tài phù hợp lòng dân để khống chế tệ nạn, tội phạm xã hội; đồng thời cũng chú trọng gắn kết toàn dân, giải quyết thỏa đáng những mâu thuẫn trong dân. Nguyễn Trãi trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” đã mở đầu là câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; bởi ông là người đã sớm nhận ra vai trò to lớn của nhân dân: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.  
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và đề cao vai trò của nhân dân; Người nói: “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “nước lấy dân làm gốc”. Người còn khẳng định “việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh”, “Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Đảng thì lấy ai dẫn đường?...”. Chính vì thế, Người rất tâm đắc với hai câu: “Dễ mười lần, không dân cũng chịu/Khó trăm lần, dân liệu cũng xong” và nhắc nhở “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
 
Xuất phát từ truyền thống dân tộc, từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong lịch sử; Đảng ta luôn khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”. Từ đó xác định: Công tác vận động nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; “ý Đảng hợp lòng Dân” phải thực là nền tảng tinh thần vững chắc. 
 
“Ý Đảng” là muốn nói đến sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn, sáng tạo, thuận với lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, của thời đại, của dân tộc. Ý Đảng được thể hiện thông qua đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN; mục tiêu hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN “của dân, do dân, vì dân”; bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, hướng đến một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”... Còn “Lòng dân” là muốn chỉ trạng thái tâm lý, tinh thần của nhân dân, bao gồm: thái độ, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, ý chí, quyết tâm, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, niềm tin, trách nhiệm, sự ủng hộ của nhân dân ...  “Ý Đảng - lòng dân” không phải lúc nào cũng đồng thuận với nhau, mà cũng có lúc gập gềnh, trắc trở, nhất là những thời điểm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không sát thực tế, không hợp lòng dân; đặc biệt là do một bộ phận cán bộ cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vì “lợi ích nhóm”, chỉ lo “chạy chức, chạy quyền”, vun vén cá nhân… làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ.  
 
“Ý Đảng hợp lòng dân” được thể hiện bởi: (i) Đảng phải thực sự là đại biểu cho trí tuệ và niềm tin của nhân dân; vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. (ii) Đảng phải hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, cống hiến và phụng sự nhân dân vô điều kiện; được nhân dân gửi gắm niềm tin yêu, kính phục, xác lập được chỗ đứng vững chắc trong lòng dân. (iii) Mọi đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, được chứng minh bằng những hành động và kết quả thực tế và hơn hết mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự là tấm gương để nhân dân học tập, noi theo. (iv) Giữa Đảng với nhân dân luôn có sự thống nhất về lợi ích, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vì vậy phải có sự nương tựa, gắn bó mật thiết với nhau; “ý Đảng lòng dân” thống nhất là điều kiện tiên quyết, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
“Lòng dân hợp ý Đảng” được thể hiện ở lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân; là niềm tin tuyệt đối, trung thành của nhân dân gửi gắm vào Đảng và Nhà nước, sẵn sàng đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng; là tình cảm gắn bó máu thịt của nhân dân đối với Đảng; là chỗ dựa, che chở, giúp đỡ của nhân dân đối với Đảng cả về vật chất lẫn tinh thần; … khi thấy chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đem lại lợi ích chính đáng cho mình. Đồng thời, nhân dân còn là người đóng vai trò phản biện, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tóm lại lòng dân là sự kết hợp tâm trí, lực lượng của toàn dân tạo nên sức mạnh to lớn của cách mạng.
 
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh vai trò to lớn của nhân dân và điều đó đã trở thành chân lý. Hiện nay, lòng tin của dân đối với Đảng, chế độ đang bị lung lay, suy giảm và xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường, đáng quan ngại, nhất là trước các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội diễn ra tràn lan; tình trạng một số cán bộ sống thiếu gương mẫu, thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức, quyền vun vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà quên đi nghĩa vụ với nhân dân, trái với “lòng dân”, cũng như “ý Đảng”. Do đó, việc khôi phục và củng cố “thế trận lòng dân” đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hơn bao giờ hết. 
 
Để “ý Đảng lòng dân” được hội tụ vững bền, đòi hỏi toàn Đảng, cùng cả hệ thống chính trị một mặt phải thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thấy rõ sức mạnh của nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”; mặt khác phải thường xuyên bám sát dân, lắng nghe, thấu hiểu dân, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để “ý Đảng, lòng dân” luôn hòa quyện, cùng nhau suy nghĩ, hành đồng vì một mục tiêu, lý tưởng chung là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Bác Hồ căn dặn.
 
Thực tiễn công tác xây dựng Đảng và tình hình đảng viên hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tiếp tục tự chỉnh đốn, tự đổi mới. Mỗi đảng viên nhất là những người đứng đầu phải gương mẫu trong tự phê bình, không một ai “giấu giếm khuyết điểm của mình”, mà phải “có gan thừa nhận khuyết điểm” và “tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”. Có như thế Đảng mới từng bước lấy lại lòng tin của nhân dân, để “ý Đảng và lòng Dân” trở thành nền tảng vững chắc.
 
Nguyễn Văn Hương