Xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững

08:10, 25/10/2018

Tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kết luận số 419-KL/TU đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.  

Tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kết luận số 419-KL/TU đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.  
 
Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng: Đội ngũ trí thức của tỉnh có vai trò quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương. Mười năm qua, KT-XH Lâm Đồng có bước phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện, một số lĩnh vực phát triển vượt bậc. Đa số các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học trên địa bàn có sự phối hợp khá tốt với địa phương, nhất là việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao; trong nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các ngành, các cấp, các địa phương đã tạo điều kiện tốt để đội ngũ trí thức, các hội chính trị xã hội, nghề nghiệp của đội ngũ trí thức phát huy khả năng, cống hiến cho địa phương, đất nước. Đội ngũ trí thức phát triển cả về số lượng và chất lượng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Lâm Đồng. 
 
Tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW còn một số hạn chế, khuyết điểm: Các điều kiện cần thiết để phát huy đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài còn hạn chế; môi trường làm việc chưa thật tốt; chế độ, chính sách đãi ngộ, khuyến khích trí thức chưa tương xứng với cống hiến. Chưa xây dựng được các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để tạo điều kiện cho các nhà khoa học tham gia thực hiện chủ trương xây dựng Đà Lạt, Lâm Đồng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước và vùng Tây Nguyên. Một số trí thức chưa thực sự an tâm công tác và cống hiến hết mình. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung trong thời gian tới: Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đội ngũ trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức sâu sắc đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Các ngành, các cấp, các địa phương tùy vào điều kiện, khả năng và nhu cầu của mình để tạo điều kiện thuận lợi, mạnh dạn đặt hàng cho đội ngũ trí thức xây dựng các đề án, kế hoạch có hàm lượng trí tuệ cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn để tham gia phát triển các lĩnh vực KT-XH. Bên cạnh đó, cần có những chính sách thỏa đáng để đội ngũ trí thức làm việc và cống hiến; thực hiện tốt các chính sách, tôn vinh, khen thưởng kịp thời đối với những cống hiến, thành tích xuất sắc của đội ngũ trí thức. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và đóng góp nhiều hơn cho đất nước; trước hết cần làm tốt công tác giáo dục, đào tạo ở bậc phổ thông, tạo nền tảng vững chắc và nguồn kế cận để phát triển đội ngũ. Phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng. Đội ngũ trí thức cần tích cực học tập, nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm với xã hội. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức có nhiều kinh nghiệm, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ. Có cơ chế, chính sách để đặt hàng, phát huy vai trò các cơ quan đào tạo, nghiên cứu và sự đóng góp, hiến kế của đội ngũ trí thức, coi đó là lực lượng nòng cốt để xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước. Trước mắt, các cấp và các ngành, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, nhân dân cần quan tâm, đề xuất các giải pháp nhằm ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào xây dựng, thực hiện các đề án quan trọng như: “Xây dựng thành phố thông minh”, “chính quyền điện tử”, “nông nghiệp thông minh”, “cải cách thủ tục hành chính”...
 
LAN HỒ