Ðưa người "vác tù và" vào Ðảng

08:11, 26/11/2018

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (sau đây gọi chung là trưởng thôn) là "cánh tay nối dài" của lãnh đạo các địa phương. Ðây là chức danh do dân trực tiếp bầu, dựa trên uy tín và sự tín nhiệm của người dân. Tuy nhiên, hiện gần một nửa trong số này vẫn đang đứng ngoài hàng ngũ của Ðảng. Và việc kết nạp đội ngũ trưởng thôn vào Ðảng là vấn đề cần quan tâm thực hiện.
 

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (sau đây gọi chung là trưởng thôn) là “cánh tay nối dài” của lãnh đạo các địa phương. Ðây là chức danh do dân trực tiếp bầu, dựa trên uy tín và sự tín nhiệm của người dân. Tuy nhiên, hiện gần một nửa trong số này vẫn đang đứng ngoài hàng ngũ của Ðảng. Và việc kết nạp đội ngũ trưởng thôn vào Ðảng là vấn đề cần quan tâm thực hiện.
 
Trưởng thôn là “cánh tay nối dài” của lãnh đạo các địa phương, giúp bà con thực hiện đúng chủ trương, chính sách. Ảnh: N.Ngà
Trưởng thôn là “cánh tay nối dài” của lãnh đạo các địa phương, giúp bà con thực hiện đúng chủ trương,
chính sách. Ảnh: N.Ngà

Những người nhiệt tình, có trách nhiệm
 
Thôn, tổ dân phố (TDP) là nơi trực tiếp triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nơi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân tại địa bàn khu dân cư. Trưởng thôn, TDP phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ: tuyên truyền và thực hiện pháp luật, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế, tham gia công tác văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự… Họ hoạt động chủ yếu bằng sự nhiệt tình chứ không phải trông chờ phụ cấp. Bởi thế người ta vẫn gọi họ là “người vác tù và”.
 
Ông Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim, Lạc Dương khẳng định: “Những năm gần đây, Đa Nhim có rất nhiều sự chuyển biến lớn trong ý thức của người dân cũng như sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Không phải lãnh đạo xã có thể làm được điều đó. Mà đó là kết quả của sự đồng lòng trong toàn dân, sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Những đường lối, chính sách của cấp trên cũng như của địa phương chắc chắn sẽ khó mà thực hiện được nếu không có đội ngũ trưởng thôn - những người rất nhiệt tình và trách nhiệm”. 
 
Cụ thể, tại xã Đa Nhim, vấn đề làm đường giao thông nông thôn diễn ra rất thuận lợi. Bởi khi nắm được chủ trương, các trưởng thôn đã đi vận động từng hộ. Các trưởng thôn do chính nhân dân bầu lên nên có uy tín rất cao trong bà con, do đó mọi việc diễn ra rất thuận lợi. Cùng với đó, việc thực hiện các nhiệm vụ khác như vận động con em tới trường, đóng bảo hiểm y tế…cũng được thực hiện có hiệu quả. 
 
Tương tự, tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, ông Trần Trung Cường - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Việc thực hiện các nhiệm vụ của các thôn được tiến hành  tốt bởi trưởng thôn  đã thực hiện trọn vẹn các trách nhiệm của mình. Đồng thời,  họ là người do nhân dân trực tiếp bầu lên nên trong công tác lãnh, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ luôn được bà con đồng thuận cao”. 
 
Là những người tiếp xúc hằng ngày với người dân, công việc của trưởng thôn tưởng dễ nhưng rất phức tạp, nhạy cảm, bởi thường đụng chạm đến quyền lợi của người dân, làng xóm láng giềng. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy: Nhìn chung các trưởng thôn dù là đảng viên hay không đảng viên đều rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc, đặc biệt là được nhân dân tín nhiệm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Nhiều trưởng thôn chưa là đảng viên
 
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 1.541 thôn, TDP. Trong đó có 717 trưởng thôn, tổ trưởng TDP là đảng viên; 104 thôn, TDP thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, TDP; 720 trưởng thôn, TDP  không là đảng viên. 
 
Xã Đa Nhim hiện có 2/5 thôn có trưởng thôn chưa  là đảng viên. Anh Cil Phi Crieu Ha Trái - Trưởng thôn Đa Ra Hoa, một trong hai trưởng thôn chưa là đảng viên nói: “Các trưởng thôn trên địa bàn xã chưa là đảng viên chủ yếu do vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình nên không đủ tiêu chuẩn để được đứng vào hàng ngũ của Đảng”. Còn tại xã Liên Hiệp, việc 5/7 trưởng thôn không là đảng viên do đã cao tuổi nên phần nào không còn nhiều động lực phấn đấu để được kết nạp Đảng. Ngoài ra, tại một số nơi chất lượng hoạt động của chi bộ không cao, người dân không đủ niềm tin để bầu đảng viên vào vị trí trưởng thôn.
 
Trao đổi về việc không là đảng viên có ảnh hưởng tới hoạt động của trưởng thôn hay không, ông Trương Văn Tịnh - Trưởng thôn An Bình, xã Liên Hiệp cho rằng: “Việc đứng trong hay ngoài hàng ngũ của Đảng không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các trưởng thôn. Cứ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của cấp trên, làm việc trong khuôn khổ pháp luật, đặt niềm tin của bà con lên trên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ông Trần Trung Cường nói thêm: “Nếu tất cả trưởng thôn đều là đảng viên là điều quá tốt. Tuy nhiên, việc các trưởng thôn không là đảng viên cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện các nhiệm vụ. Không là đảng viên, không trực tiếp tham dự các cuộc họp chi bộ, tuy nhiên, bí thư chi bộ có trách nhiệm trao đổi các nhiệm vụ với trưởng thôn. Bên cạnh đó, có các cuộc họp quân dân chính cũng là thời điểm mà trưởng thôn và trưởng các đoàn thể nắm rõ các nhiệm vụ cần thực hiện”. Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Đức Tuấn cũng cho rằng: “Việc đưa được đội ngũ trưởng thôn vào Đảng là việc rất tốt. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ là những đảng viên mẫu mực, có thế mới được dân tin mà bầu làm trưởng thôn. Tuy nhiên, trưởng thôn làm việc chủ yếu bằng uy tín. Bởi vậy cũng không quá câu nệ chuyện đứng trong hay ngoài hàng ngũ của Đảng, miễn làm đúng, làm tốt và được dân tin là điều quan trọng hơn cả”. 
 
Còn tại xã Đạ Long, huyện Đam Rông, trong quá trình chuẩn hóa bộ máy hành chính cấp thôn, địa phương này đã có nhiều nỗ lực để 5/5 thôn đều có trưởng thôn là đảng viên và đảm nhiệm vị trí phó bí thư trong chi bộ.  Ông Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã, nguyên là cán bộ ngành Kiểm tra Đảng huyện Đam Rông cho biết: “Trước đây, trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra Đảng, có không ít trường hợp trưởng thôn không là đảng viên nên việc đồng thuận với chi bộ chưa cao. Trong thực hiện một số vấn đề liên quan tới chính sách, trưởng thôn trực tiếp báo cáo lên lãnh đạo xã không thông qua chi bộ… Bởi vậy, công tác lãnh, chỉ đạo giữa chi bộ và trưởng thôn không thống nhất, mối quan hệ đoàn kết trong lãnh đạo thôn cũng vì thế mà chưa thật sự khăng khít. Bởi thế, trong quá trình củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo thôn, xã Đạ Long chú trọng các phương pháp để 100% trưởng thôn là đảng viên. Tính kỷ luật trong Đảng luôn cao, nhờ vậy có sự thống nhất trong công tác lãnh, chỉ đạo, bộ máy lãnh đạo thôn hoạt động đồng đều và hiệu quả”. 
 
Ðể đưa trưởng thôn vào Ðảng
 
Theo quy định tại Điều 11 về tiêu chuẩn trưởng thôn, tổ trưởng TDP và phó trưởng thôn, tổ phó TDP tại Thông tư của Bộ Nội vụ ngày 31/8/2012, không quy định trưởng thôn phải là đảng viên. Song, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới nói chung và kiện toàn hệ thống chính quyền nói riêng, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ. Do vậy, chất lượng đội ngũ này có vai trò quyết định đến việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Không thể phủ nhận vai trò của những trưởng thôn chưa phải là đảng viên, song thực tế cho thấy ở đâu có đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn thì việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ thuận lợi và nhanh hơn; phát huy được vai trò, trách nhiệm đảng viên gắn với lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở.
 
Ghi nhận thực tế tại một số địa phương cho thấy, để nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên (trừ những trường hợp vi phạm các quy định về kết nạp Đảng), các địa phương cần rà soát, phân loại, nắm chắc đặc điểm, tình hình từng thôn và chất lượng trưởng thôn chưa là đảng viên có khả năng và nguyện vọng phấn đấu vào Ðảng, cấp ủy cơ sở chỉ đạo các chi bộ lập kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ những quần chúng này. Chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua để lựa chọn, giới thiệu trưởng thôn tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, quản lý Nhà nước, qua đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp vào Ðảng; phân công đảng viên có kinh nghiệm theo dõi, giúp đỡ các trưởng, phó thôn là nguồn kết nạp Ðảng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên đánh giá, rà soát những trưởng thôn không còn được nhân dân tín nhiệm để thay thế bằng những người có đủ uy tín, năng lực và cấp ủy tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong việc giới thiệu đảng viên tham gia bầu làm trưởng thôn và giao chỉ tiêu hàng năm cho các đảng bộ phải kết nạp đảng viên trong đội ngũ này. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương đối với những người có ý thức phấn đấu vào Đảng, có nhiều năm làm trưởng thôn tích cực, hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao nhưng còn một vài khiếm khuyết, sẽ xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để kết nạp Đảng; đối với những trường hợp vướng mắc về trình độ văn hóa có thể linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
 
Bên cạnh đó, các chi bộ cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, bản thân mỗi đảng viên cũng làm tốt sứ mệnh của mình để nhận được lòng tin của nhân dân. Đó là một trong những cách để khi chi bộ giới thiệu nhân sự bầu vào vị trí trưởng thôn, các đảng viên sẽ nhận được lá phiếu tín nhiệm của nhân dân.  
 
Phát triển Ðảng trong đội ngũ trưởng thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng bộ máy cấp cơ sở và hoàn thành các mục tiêu phát triển của địa phương. 
 
NGỌC NGÀ