Trong những năm qua, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HÐND) huyện Di Linh luôn có sự đổi mới và ngày càng hiệu quả. Trước khi tổ chức kỳ họp, Thường trực HÐND huyện gửi phiếu đăng ký nội dung chất vấn đến từng đại biểu HÐND huyện để các đại biểu lựa chọn, đăng ký nội dung chất vấn.
Trong những năm qua, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HÐND) huyện Di Linh luôn có sự đổi mới và ngày càng hiệu quả. Trước khi tổ chức kỳ họp, Thường trực HÐND huyện gửi phiếu đăng ký nội dung chất vấn đến từng đại biểu HÐND huyện để các đại biểu lựa chọn, đăng ký nội dung chất vấn. Cùng với việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của HÐND huyện, kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HÐND, các Ban HÐND huyện và những vấn đề bức xúc của cử tri ở địa phương; Thường trực HÐND huyện họp thống nhất với UBND huyện và các ngành liên quan lựa chọn các nhóm vấn đề và dự kiến nội dung chất vấn tại kỳ họp.
|
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn ngành công an về những tồn tại, bất cập trong tín dụng đen, trật tự an toàn xã hội tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: N.Thu |
Tại mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND huyện điều hành theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian cho nội dung thảo luận và chất vấn tại kỳ họp - thời gian thảo luận thường là 1/2 ngày và thời gian chất vấn là 1/2 buổi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân, các đại biểu HĐND huyện Di Linh đã thực hiện chất vấn 9 nội dung liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp, công tác tài chính và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, theo phản ánh của nhân dân, hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND huyện vẫn có những hạn chế, tồn tại. Có đại biểu HĐND nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò của hoạt động chất vấn nên khi chất vấn còn tình trạng chỉ đặt câu hỏi mang tính chất yêu cầu cung cấp thông tin, không mạnh dạn hỏi về những nội dung trả lời chưa thỏa đáng để làm sáng tỏ vấn đề, làm rõ trách nhiệm của người trả lời chất vấn. Do vậy, người trả lời chất vấn cũng chỉ đưa ra những hứa hẹn về các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành, của cơ quan, đơn vị mình. Những giải pháp đó đôi khi không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nhưng tại kỳ họp tiếp sau đại biểu cũng không tiếp tục chất vấn trở lại. Một số đại biểu HĐND vẫn còn tâm lý nể nang, ngại va chạm nên khi chất vấn các đại biểu thường né tránh những vấn đề nhạy cảm mặc dù đó là những vấn đề nổi cộm, bức xúc, cần làm rõ ở địa phương. Cá biệt trong một số kỳ họp, hoạt động chất vấn còn nặng về nghe báo cáo đã chuẩn bị trước, việc hỏi - đáp, trao đổi trực tiếp tại kỳ họp còn ít; không khí phiên chất vấn chưa thật sự sôi nổi. Đại biểu HĐND chưa tích cực, chủ động trong chất vấn; về nội dung, lĩnh vực chất vấn phần nhiều dựa trên cơ sở định hướng, gợi ý của Thường trực HĐND, chủ tọa kỳ họp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Bông, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Di Linh chia sẻ: Để các kỳ chất vấn tại mỗi phiên họp HĐND đạt kết quả, mỗi đại biểu HĐND cần nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa, vai trò của hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND để cá nhân hoặc cơ quan trả lời chất vấn có trách nhiệm hơn trong việc công khai thông tin về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém đối với vấn đề được chất vấn.
Mặt khác, qua tìm hiểu kinh nghiệm của những đại biểu uy tín hoạt động từ nhiều khóa trước, cho rằng: người đại biểu phải lựa chọn câu hỏi chất vấn hết sức thận trọng; nội dung câu hỏi đúng trọng tâm, kỹ năng trình bày khúc chiết và dứt khoát; những bằng chứng, những thông tin, những dữ liệu trong câu hỏi chất vấn phải mang tính xác thực, có địa chỉ rõ ràng, đúng với đối tượng bị chất vấn. Trước khi chất vấn vấn đề gì, nội dung gì, đòi hỏi người đại biểu phải tìm hiểu thật kỹ vấn đề, nội dung cần chất vấn, thu thập đầy đủ các thông tin, bằng chứng liên quan. Câu hỏi chất vấn của đại biểu thường gắn với hệ quả pháp lý, buộc đối tượng bị chất vấn phải giải trình rõ ràng cái đúng, cái sai và xác định rõ trách nhiệm pháp lý trước HĐND, trước cử tri và trước đại biểu.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Di Linh Phạm Hồng Ngoại cho biết thêm: Trước khi chất vấn, cần lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình hoặc về những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhiều cử tri quan tâm, nhiều lần kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ, thu thập thông tin và có bằng chứng xác thực. Những vấn đề, nội dung phức tạp, đại biểu HĐND có thể đề nghị chủ tọa yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan trả lời bằng văn bản.
Ðại biểu dân cử cần thể hiện bản lĩnh của người đại biểu đại diện cho tiếng nói cử tri và nhân dân. Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của người đại biểu. Không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ năng chất vấn, bao gồm kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn, phản ánh thông tin chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu. Ðại biểu HÐND cần khắc phục tâm lý e ngại, nể nang trong thực hiện quyền chất vấn. Mỗi đại biểu cần phải thể hiện bản lĩnh, dám hỏi, dám truy vấn đến cùng, đeo bám nội dung đã chất vấn nếu như vấn đề đó chưa được giải quyết dứt điểm. Có như vậy thì dân mới phục, mới đặt niềm tin.
Có thể nói, thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND; trước hết, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tầm quan trọng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của người đại biểu HĐND. Mỗi vị đại biểu phải được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng chất vấn, phương thức hoạt động trong các cơ quan dân cử, từ đó chất lượng chất vấn mới được nâng cao, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội mới được giải quyết kịp thời.
NGUYỆT THU