Đúng 2 giờ 30 phút chiều ngày 12/11/2018, 100% đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã bấm nút phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP). Vậy CPTPP là gì và tác động thế nào đến Việt Nam?
Đúng 2 giờ 30 phút chiều ngày 12/11/2018, 100% đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã bấm nút phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP). Vậy CPTPP là gì và tác động thế nào đến Việt Nam?
Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại gồm: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Japan, Brunei, Malaysia, Sigapore và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được ký kết vào ngày 8/3.
|
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại hội nghị ở Santiago ngày 8/3 (Nguồn: TTXVN) |
Hiệp định CPTPP và TPP…?
Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Cam kết tự do hóa trong các lĩnh vực chủ chốt như dệt may; các rào cản kỹ thuật đối với thương mại; các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ; lao động và giải quyết tranh chấp lao động vẫn được giữ nguyên như lúc đầu.
Tuy nhiên, CPTPP có 2 điểm khác biệt so với TPP. Thứ nhất, có 20 điều khoản được “treo” lại, chưa áp dụng ngay, bao gồm các điều khoản về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), môi trường và sự minh bạch. Những quy tắc này vốn được đưa vào TPP do yêu cầu của Washington nay bị treo lại (nhưng có thể sẽ được khôi phục lại trong tương lai).
Điều đáng chú ý là chương về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) đã trải qua sự thay đổi lớn nhất. Ví dụ, thời hạn bảo hộ bản quyền giảm từ 70 còn 50 năm sau khi tác giả qua đời. Một vài điểm đáng chú ý khác bao gồm việc tạm hoãn cam kết liên quan đến quyền lao động như là một điều kiện tiên quyết mà các doanh nghiệp thuộc CPTPP phải thực hiện khi tham gia đấu thầu các dự án của chính phủ, và loại bỏ đối xử đặc biệt cho dịch vụ chuyển phát nhanh xuyên biên giới.
Thứ hai, trái ngược với tư tưởng cũng như niềm tin tân tự do về tự do thương mại và các động lực của thị trường được ghi nhận trong TPP, Hiệp định CPTPP lưu ý rằng trong quá trình hoạch định chính sách, các nước thành viên phải xem xét trước tiên các hoàn cảnh đặc biệt và các ưu tiên luôn thay đổi của nước mình. Việc tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt của các quy định sẽ được đưa vào thông qua các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập”, “rà soát loại” hiệp định vốn sẽ được dự thảo bổ sung.
Cho đến giờ, Malaysia muốn có một giai đoạn chuyển tiếp dài hơn trước khi các quy tắc cạnh tranh nghiêm ngặt được áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam cũng muốn có thêm thời gian trước khi các công đoàn non trẻ phải thực hiện các biện pháp giải quyết tranh chấp. Canada lại muốn bảo vệ nền văn hóa nhạy cảm với chính trị và công nghiệp truyền thông của mình.
Có thể nói, cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
|
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng các nước ký Hiệp định TPP tại thành phố Đà Nẵng (Nguồn: TTXVN) |
Thời cơ để Việt Nam nâng cao nội lực
Việc CPTPP được thông qua với sự nhất trí cao của Quốc hội là điều dễ hiểu, vì trước đó, nhiều ý kiến đã khẳng định, CPTPP là thời cơ để Việt Nam nâng cao nội lực, tăng cường sức cạnh tranh.
Theo đánh giá của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.
Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với những giải pháp này, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Tứ Kiên (tổng hợp)