Với 447 phiếu tán thành, tương ứng tỷ lệ 92,16%, kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 8/11 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.
|
Với 92,16% số phiếu tán thành, quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Với 447 phiếu tán thành, tương ứng tỷ lệ 92,16%, kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 8/11 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.
Trong đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Ngoài ra, Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Chỉ tiêu lạm phát 4% là phù hợp
Trước đó, làm rõ thêm ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.
Theo ông Thanh, qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Lập luận chỉ tiêu về CPI, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.
Do vậy, Chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
"Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020," Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thêm.
|
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 3, Ban soạn thảo đã bổ sung các nội dung: Ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xã hội hóa xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nghiên cứu phát triển; Ban hành chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bổ sung nội dung mở rộng áp dụng thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm.
Trong khi đó, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 cũng bổ sung thêm nội dung như: “Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển” và “Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn.”
Ông Khanh cho hay, Ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung nội dung “Nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai” cũng như “Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng” và “Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển” trong dự thảo Nghị quyết lần này.
Làm rõ thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 8, ông Khanh nói, Ban soạn thảo đã bổ sung các nội dung về Bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Từng bước cải thiện nâng cao giá trị đạo đức xã hội, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...
Trong khi tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 9 đã bổ sung nội dung “Triển khai nhanh cấp mã số công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông trong các lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực quản lý đô thị, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.”
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chia sẻ, một nội dung được bổ sung trong dự thảo Nghị quyết là “Ngăn chặn hiệu quả hoạt động tín dụng đen, quản lý chặt chẽ đối với dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê.”/.
(Theo vietnam+)