(LĐ online) - Quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng tới các quyết định cá nhân hay tập thể. Người nắm giữ quyền lực có thể buộc người dưới quyền phải làm một việc nào đó mà cá nhân họ dù có muốn hay không. Vì vậy, quyền lực càng lớn, càng tuyệt đối thì sẽ dẫn tới sự tha hóa quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
(LĐ online) - Quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng tới các quyết định cá nhân hay tập thể. Người nắm giữ quyền lực có thể buộc người dưới quyền phải làm một việc nào đó mà cá nhân họ dù có muốn hay không. Vì vậy, quyền lực càng lớn, càng tuyệt đối thì sẽ dẫn tới sự tha hóa quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Lạm dụng quyền lực gây hậu quả khôn lường
Trong xã hội, quyền lực được xác lập thông qua các mối quan hệ, do đó sự tác động, chi phối của các loại quyền lực cũng có khác nhau. Các quyền lực có tác động chi phối toàn xã hội như: Quyền lực chính trị; quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp; quyền lực kinh tế, quyền lực truyền thông (quyền lực mềm)… Đó là những loại quyền lực nếu bị lạm dụng, lợi dụng, lộng hành sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là quyền lực chính trị.
Bản chất của sự lạm dụng, lợi dụng quyền lực nói chung, quyền lực chính trị nói riêng là biến quyền được Nhà nước, nhân dân giao phó thành sở hữu cá nhân nhằm mục tiêu vun vén cho lợi ích của người có quyền lực hoặc một nhóm người thân cận, làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước”; chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước là Nhân dân. Do đó, việc kiểm soát quyền lực, chống lạm dụng, lợi dụng phải được coi trọng thường xuyên và là nhiệm vụ then chốt của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi liền với phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, kết quả đạt được về kiểm soát quyền lực còn quá khiêm tốn, việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi vẫn thường diễn ra, thậm chí đến mức nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Nhiều dự án thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, các đại án tham nhũng gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước; tình trạng “tham nhũng vặt”, chạy chức, chạy quyền xảy ra tràn lan; việc điều động, bổ nhiệm cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, ưu ái con ông, cháu cha… là những biểu hiện ít nhiều liên quan đến lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Nguyên nhân là do cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế…
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để tham ô, tham nhũng; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Điều này cho thấy, cuộc đấu tranh chống lạm quyền còn rất nhiều khó khăn và đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Giải pháp kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng
Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu rất cao về ‘‘kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương’’. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, đã đề ra giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng Đảng với 3 nội dung chính: (i) Rà soát hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; (ii) Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức cán bộ yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; (iii) Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực thi quyền lực.
Theo đó, việc ngăn chặn lợi dụng, lạm dụng quyền lực cần chú trọng vào một số nội dung sau đây:
Trước hết, phải xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật đủ mạnh nhằm “nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật”, làm cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm. Đặc biệt, phải thiết lập một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn, như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị tha hóa. Phát huy hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống; đề cao hơn nữa vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau thông qua các quy trình, thủ tục, công vụ, công chức. Việc giám sát, kiểm soát quyền lực ngoài trách nhiệm của hệ thống Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể các cấp, các cơ quan chức năng (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…), cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát, kiểm soát quyền lực, bởi vì những hành vi sai trái có thể che mắt được các cơ quan chức năng, nhưng không thể che mắt được nhân dân. Do đó phải tạo cơ chế và đặt trọn niềm tin ở nhân dân; thiết lập hệ thống thông tin phản hồi từ đối tượng chịu sự tác động của quyền lực, nhất là các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, định hướng các phương tiện truyền thông phê phán mạnh mẽ các hành vi lạm quyền, lợi dụng quyền lực và lộng quyền.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn triệt để “tham nhũng vặt”,… Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm minh, kịp thời; không có vùng cấm - đặc quyền - ngoại lệ; áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng. Đồng thời, xử phạt nghiêm minh các cá nhân có hành vi lạm quyền, lợi dụng quyền lực, lộng quyền, hoặc gây ảnh hưởng khiến người khác buộc phải lạm quyền, lợi dụng quyền lực phục vụ cho lợi ích riêng và khen thưởng các cá nhân liêm chính, công tâm, vô tư trong thực thi công vụ.
Thứ tư, phải kiểm soát tốt quyền lực trong Đảng và thiết chế bộ máy nhà nước, bởi đây là quyền lực chính trị được nhân dân trao quyền, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến bị lợi dụng, lạm dụng và lộng quyền vì mục đích cá nhân, nguyên nhân chủ yếu của tệ nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay. Và mỗi khi quyền lực trong Đảng được kiểm soát tốt, tất sẽ kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, và do đó các tổ chức đảng và đảng viên sẽ thực hiện đúng chức trách, bổn phận được giao, không để việc lợi dụng, lạm dụng quyền trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội xẩy ra.
Thứ năm, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong kiểm tra, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng; đề cao vai trò nêu gương, tính tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, có như thế mới đem lại hiệu quả cao. Theo đó, cần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám định tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; củng cố vai trò của cấp ủy đảng trong các tổ chức, doanh nghiệp làm kinh tế, truyền thông; kiểm soát chặt chẽ sự hình thành, dịch chuyển sở hữu những khối tài sản lớn để loại bỏ “nhóm lợi ích”; đồng thời, kiện toàn bộ máy, cung cấp thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng…
Lạm dụng, lợi dụng, lộng hành quyền lực là một trong những nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Chừng nào quyền lực được giao chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chưa “nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật”, tình trạng lạm quyền, lộng quyền vẫn còn xẩy ra, thì chừng đó tệ nạn tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại. Vì vậy, tập trung giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, lợi dụng quyền lực và lộng quyền sẽ góp phần ngăn chặn tận gốc tình trạng tham nhũng tràn lan, tham nhũng vặt hiện nay.
VĂN NHÂN