Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Mấy nhiệm kỳ đại hội gần đây, vấn đề nêu gương được Đảng ta đặc biệt chú trọng lãnh đạo, nhiều chỉ thị, nghị quyết đã nhấn mạnh đến tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo.
[links()]
THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Mấy nhiệm kỳ đại hội gần đây, vấn đề nêu gương được Đảng ta đặc biệt chú trọng lãnh đạo, nhiều chỉ thị, nghị quyết đã nhấn mạnh đến tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo. Nghị quết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đề ra và yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ban Bí thư đã ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” (Quy định số 101-QĐ/TW tháng 6-2012), trong đó nhấn mạnh 7 lĩnh vực cần nêu gương, bao gồm: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Bộ Chính trị có Quy định số 55-QĐ/TW (tháng 12-2016) “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Thực hiện các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã được nâng lên một bước, tạo một số chuyển biến tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên… Tuy nhiên, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Đặc biệt, có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Trung ương quản lý đã thiếu gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, đòi hỏi cần phải có một quy định của BCH Trung ương về trách nhiệm nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương trong công tác và trong cuộc sống.
Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra từ ngày 2 đến 6-10) đã thảo luận, thông qua “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương”. Việc Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 cho thấy:
(1) Đảng ta đặc biệt quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo ở cấp cao nhất. Qua đó thiết thực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương mẫu mực của Bác Hồ về sự nêu gương.
(2) Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đã có chủ trương từ lâu. Tuy nhiên, nội dung các quy định nêu gương trước đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa xác định rõ, cụ thể trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên BCH Trung ương; trong khi việc nêu gương ở đối tượng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ đối với toàn hệ thống chính trị và có sức lan tỏa rộng lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, việc bổ sung và nâng cao quy định này là rất quan trọng.
(3) Điểm cốt lõi trong Quy định của BCH Trung ương lần này là “Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, nhất là về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, tính tiền phong gương mẫu; gắn bó mật thiết với dân; không tự tư tự lợi; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đồng thời, đây cũng là một công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát những người nắm nhiều quyền lực.
Việc BCH Trung ương ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương không những nâng cao tính pháp lý của quy định này so với các quy định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành, mà còn trực tiếp điều chỉnh sự nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; tạo sự đồng bộ với thực hiện các nghị quyết của BCH Trung ương khóa XII về xây dựng Đảng; đồng thời, làm cho việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả hơn, một vấn đề rất hệ trọng và rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Quy định của BCH Trung ương yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương” phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung; đồng thời cũng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống 8 nội dung, trong đó có nhiều nội dung hết sức cốt lõi như:
Nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc; phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ lực lượng; tâm huyết, tận tuỵ với công việc, tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, đổi mới; giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến; mẫu mực về đạo đức, lối sống, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; cương quyết bảo vệ cái đúng, quyết liệt đấu tranh với sai trái, không tranh công đổ lỗi; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ…
Nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, bao gồm: Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, định kiến với người góp ý, phê bình; tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân; chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm, can thiệp hoăc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ trái quy định, nhất là người nhà, người thân; tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức, tặng quà, nhận quà vì vụ lợi, can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định; lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí; lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi, để vợ (chồng), con cái sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...
Quy định về trách nhiệm nêu gương của Hội nghị Trung ương 8, khóa XII thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng ta về xử lý mối quan hệ giữa xây và chống trong công tác xây dựng Đảng; trong đó xác định lấy xây làm chính, lấy nêu gương đạo đức, xây dựng “đạo làm gương” là nhiệm vụ chủ yếu, lâu dài, khó khăn, phức tạp, có như thế mới đem đến kết quả thiết thực, vững chắc. Đó cũng chính là quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này sẽ trở thành động lực to lớn, mạnh mẽ, không những góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng; lạm quyền, lợi ích nhóm để trục lợi …, mà còn làm tăng thêm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Văn Nhân