Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng; phiên chất vấn đã đạt kỷ lục về số lượt đại biểu chất vấn, phản biện cho thấy nhân dân và cử tri gửi gắm rất nhiều tâm tư tới Quốc hội. Tại Lâm Ðồng, cử tri và nhân dân cũng đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ những tâm tư, bức xúc, nhiều nội dung tâm huyết, xác đáng rất cần được cấp chính quyền quan tâm, xử lý kịp thời, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng; phiên chất vấn đã đạt kỷ lục về số lượt đại biểu chất vấn, phản biện cho thấy nhân dân và cử tri gửi gắm rất nhiều tâm tư tới Quốc hội. Tại Lâm Ðồng, cử tri và nhân dân cũng đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ những tâm tư, bức xúc, nhiều nội dung tâm huyết, xác đáng rất cần được cấp chính quyền quan tâm, xử lý kịp thời, đáp ứng mong đợi của cử tri.
|
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về những vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm gửi gắm tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: N.Thu |
Trước tình trạng người dân san ủi đất để làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động này. Tuy nhiên, đây là nhu cầu cần thiết để phát triển sản xuất và đời sống của người dân nên Đoàn ĐBQH đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, có hướng xử lý, đảm bảo đúng pháp luật và tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất của người dân, nhất là cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại thành phố Đà Lạt, sau khi người dân phản ánh việc Nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt (xã Xuân Trường) để rác thải tồn đọng kéo dài, xử lý rác thải không bằng công nghệ đốt như đã thiết kế mà chôn lấp khoảng 40.000 tấn chất thải, gây ô nhiễm môi trường..., Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Một số cử tri tiếp tục lo lắng về tình trạng san ủi đất, chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp ở đầu nguồn đã và đang hàng ngày gây ô nhiễm đối với nguồn nước hồ Suối Vàng; qua đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, xử lý quyết liệt hơn, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm nguồn nước của khu vực này.
Việc đồng xử lý chất thải rắn của Nhà máy Nhiệt điện và Hóa than của Tổ hợp bauxit - Nhôm Tân Rai để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, cát… là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Hùng Anh (Bảo Lâm) trong quá trình vận chuyển, sản xuất chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về xử lý chất thải rắn công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, nhân dân rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Liên quan đến đất nông trường dâu tằm Lộc Châu huyện Di Linh, nhân dân và cử tri rất bức xúc và kiến nghị UBND tỉnh xem xét việc cấp 4.000 m
2 đất thổ cư không thu tiền sử dụng đất đối với các hộ dân nhận khoán của nông trường, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đi kinh tế mới. Cử tri Tân Nghĩa (Di Linh) kiến nghị về việc hỗ trợ đơn giá cây trồng, lãi suất tiền bồi thường hỗ trợ do chậm chi trả và thiệt hại sản lượng do thông báo ngừng chăm sóc diện tích đất thu hồi làm công trình Thủy điện Đồng Nai 2. Đối với vấn đề này, Đoàn ĐBQH cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các bên giải quyết dứt điểm việc đền bù liên quan đến dự án Thủy điện Đồng Nai 2 thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam.
Cử tri huyện Cát Tiên nêu lên một số khó khăn tại dự án xây dựng hồ chứa nước Đạ Sị liên quan đến một số nội dung như: đất trong khu dân cư, đất ở nông thôn, đất giao thông, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất, về hỗ trợ tái định cư… ; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn kịp thời, đảm bảo đúng chế độ, chính sách về đền bù, hỗ trợ và đảm bảo thời gian hoàn thành công trình quan trọng này theo đúng tiến độ.
Phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng diễn biến phức tạp thời gian vừa qua, một số cử tri bức xúc về những vụ vi phạm gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, nhiều vụ vi phạm không xác định được đối tượng. Vi phạm xảy ra tại các dự án liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp nhưng chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Theo đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cần sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 102 năm 2004 về xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng, kiểm lâm, ban lâm nghiệp cấp xã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, đốt rừng làm rẫy trái phép cho phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để các địa phương, đơn vị chủ rừng có cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất, phương án sử dụng rừng…
Có thể thấy, những kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân đến cấp chính quyền là những vấn đề tâm huyết, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội rất cần được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, xử lý kịp thời nhằm đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, tiếp tục tạo niềm tin cho nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, đúng như mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra, đó là hướng đến xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
N.THU