Xây dựng phong cách lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

09:11, 07/11/2018

(LĐ online) - Phong cách lãnh đạo là cách thức mà người lãnh đạo thường sử dụng để tác động, gây ảnh hưởng đến cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ chức; nó thể hiện tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống của người cán bộ. 

(LĐ online) - Phong cách lãnh đạo là cách thức mà người lãnh đạo thường sử dụng để tác động, gây ảnh hưởng đến cấp dưới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ chức; nó thể hiện tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống của người cán bộ. 
 
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh
 
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là tổng hòa các phương pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, được thể hiện qua tư tưởng và thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Người. Đó là phong cách lãnh đạo có nhiều nét độc đáo, đặc sắc, phong phú mang đậm tính dân tộc, tính quần chúng, chứa chan lòng yêu nước, thương dân, đồng thời thể hiện tính cách mạng, khoa học, hiện đại; mà nội dung có thể cô đọng ở những điểm chủ yếu sau đây:
 
Trước hết là phong cách quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Theo Bác, người lãnh đạo phải biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng; tiếp thu và tích cực sửa chữa khuyết điểm theo ý kiến phê bình của quần chúng, của những người “không quan trọng”. Đương thời, Người thường đi xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải chỉ để huấn thị cấp dưới; biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, làm cho cấp dưới không sợ nói lên sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. 
 
Phong cách coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, dân chủ nhưng quyết đoán. Theo Bác, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”. Tuy nhiên, dân chủ không có nghĩa là “cá mè một lứa”, “mạnh ai nấy làm” mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”. 
 
Phong cách sâu sát, thực hiện tốt công việc kiểm tra, kiểm soát. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi đã có đường lối đúng, thì công tác kiểm tra là một trong ba nhân tố cơ bản nhất bảo đảm cho đường lối của Đảng ta thắng lợi. Muốn kiểm tra, giám sát tốt thì cán bộ phải sâu sát, phải “đi tận nơi, xem tận chỗ”. Từ 1955 đến 1965, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc… 
 
Khéo dùng người, trọng dụng người tài, “dụng nhân như dụng mộc”. Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết đất nước và Bác Hồ là mẫu mực của việc “khéo dùng người, trọng dụng nhân tài”. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Người đã nêu rõ quan điểm về sử dụng nhân tài trong điều kiện đất nước khó khăn: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. 
 
Phong cách cách mạng và khoa học. Theo tư tưởng của Bác, nhiệt tình cách mạng phải gắn liền với tri thức khoa học, nếu không sẽ dẫn tới duy ý chí, trái với quy luật. Người nhắc nhở: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Vì vậy, người cán bộ phải không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
 
Phong cách thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, tư tưởng với hành động. Hồ Chủ tịch rất đề cao mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”, mà “lý luận suông là có hại”. Theo Bác, với người lãnh đạo, quản lý, phải lấy kết quả thiết thực trong hoạt động gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân làm thước đo sự cống hiến và giá trị về mặt nhân cách. 
 
Phong cách nêu gương, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người thường xuyên yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống; nói phải đi đôi với làm. Và chính Người là tấm gương mẫu mực về sự nêu gương, luôn nêu gương trước để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân noi theo…  
 
Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh là di sản quý báu Người để lại cho dân tộc ta. Việc nghiên cứu, học tập phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh không chỉ để hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương vĩ đại của Người, mà còn là cơ sở để xây dựng phong cách lãnh đạo mẫu mực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay. 
 
Xây dựng phong cách lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh 
 
Phong cách người lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ và tác động đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức, mà còn liên quan đến uy tín của Đảng và chế độ. Thực tế cho thấy, có những cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, uy tín chưa cao, không phải do thiếu nhiệt tình, kiến thức, năng lực hay điều kiện vật chất mà chính là do phong cách lãnh đạo, quản lý chưa phù hợp. Vì vậy, để xây dựng phong cách người lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
 
Trước hết, cần coi trọng hơn nữa việc giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các tri thức khoa học - công nghệ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại,…cho đội ngũ cán bộ. Từ đó, mỗi người tự mình rèn luyện cái tâm trong sáng, nâng cao năng lực công tác, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn,… để không ngừng hoàn thiện nhân cách đáp ứng trọng trách được giao. 
 
Thứ hai, tăng cường vai trò nêu gương của người lãnh đạo, quản lý, bởi truyền thống văn hóa của người phương Đông “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo đó, người lãnh đạo, quản lý phải tự mình nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm... Mỗi khi người lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong công việc cũng như trong sinh hoạt đời thường, người thân trong gia đình cũng sống gương mẫu sẽ là tấm gương cho cấp dưới học tập và noi theo, được nhân dân tín nhiệm và yêu quý. 
 
Thứ ba, người lãnh đạo, quản lý phải luôn nắm vững và tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tạo dựng môi trường làm việc, bầu không khí thực sự dân chủ để khơi dậy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần phải xây dựng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, người đứng đầu các cấp trong thực thi công vụ, trong đó nêu rõ những yêu cầu về phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện về phong cách công tác, phong cách lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, kế hoạch đã đề ra; kịp thời phát hiện, phê bình, uốn nắn sai phạm, khuyết điểm. 
 
Thứ tư, đưa nội dung tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ chi bộ, sinh hoạt cơ quan. Theo đó, người lãnh đạo, quản lý phải phát huy tính tự giác, nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm để cấp dưới và quần chúng noi theo…
 
Thứ năm, định kỳ lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở nơi cư trú trong việc nhận xét, đánh giá người cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ. Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, đánh giá người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những người đứng đầu mẫu mực về phong cách công tác và kiên quyết đấu tranh với các nhận thức, hành động xa rời chuẩn mực phong cách công tác của người đứng đầu. 
 
Việc xây dựng, rèn luyện phong cách người lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một yêu cầu thường xuyên, liên tục, có ý nghĩa to lớn; là yếu tố quan trọng nhằm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, củng cố khối đoàn kết nội bộ và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG