Sở dĩ gọi là "nghề" bởi những người làm bí thư chi bộ đòi hỏi phải có khả năng, trình độ trong định hướng, tổ chức, điều hành và nhất là lòng đam mê để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lâm Ðồng hiện có 1.540 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố. Mỗi bí thư chi bộ là một câu chuyện khác nhau. Song, điểm chung ở họ là sự miệt mài trong công việc và những cống hiến được người dân ghi nhận.
Sở dĩ gọi là “nghề” bởi những người làm bí thư chi bộ đòi hỏi phải có khả năng, trình độ trong định hướng, tổ chức, điều hành và nhất là lòng đam mê để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lâm Ðồng hiện có 1.540 bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố. Mỗi bí thư chi bộ là một câu chuyện khác nhau. Song, điểm chung ở họ là sự miệt mài trong công việc và những cống hiến được người dân ghi nhận.
|
Bonyê Hơm, nữ bí thư chi bộ không chỉ khơi nguồn cống hiến cho các đảng viên mà còn tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao đời sống ở thôn M’Răng. Ảnh: N.Ngà |
Người “đầu tàu”
Bí thư chi bộ là “đầu tàu” của mỗi chi bộ Đảng. Bởi đó là vị trí chủ chốt đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, năng lực và nhiệt huyết đủ lớn mới có thể hoàn thành trọng trách.
Câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Chiến - Bí thư Chi bộ Thôn 5, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm là một ví dụ. Suốt 18 năm làm bí thư chi bộ, không chỉ trong những ngày đầu nơi căn nhà nhỏ của ông thành nơi sinh hoạt; đi từng nhà vận động phụ huynh đưa các cháu trong thôn đến uống Vitamin A mà ngay cả hôm nay khi đời sống đã có nhiều đổi thay ông vẫn dành trọn tâm huyết cho công tác của chi bộ, của thôn.
Theo đánh giá của Đảng ủy xã Lộc An, trong 28 chi bộ của xã, Chi bộ Thôn 5 luôn là đơn vị đứng đầu. Các hoạt động từ sản xuất đến phong trào nhân dân thôn này cũng luôn đứng đầu xã. Bởi “mọi việc của thôn đều được bàn bạc và đưa vào nghị quyết của chi bộ để đảng viên gương mẫu đi đầu”. Ở cương vị Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Xuân Chiến đã nêu ý kiến và bàn bạc thống nhất trong chi bộ để triển khai việc thành lập được các tổ nhóm liên kết hỗ trợ sản xuất với sự tham gia của hầu hết các hộ trong thôn và gây quỹ được gần 1 tỷ đồng. Số tiền đó được các hộ cho nhau vay lãi suất thấp và trả chậm để phát triển kinh tế. “Đó là con đường thoát nghèo ở Thôn 5” - Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Chiến trao đổi.
Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Để phát huy vai trò quan trọng ấy, cần tạo ra những dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, nhất là khẳng định rõ vị trí chèo lái của người đầu tàu. Ở Chi bộ thôn M’Răng - thôn đồng bào DTTS duy nhất của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, nhiều năm qua nữ Bí thư chi bộ Bonyê Hơm đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng trong hành trình vươn lên của M’Răng. Ông Huỳnh Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm khẳng định: “Trên địa bàn huyện Đơn Dương, khó có thôn đồng bào DTTS nào có thể phát triển trội hơn M’Răng, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Chi bộ mà nhất là bí thư chi bộ đã phát huy được vai trò trong thực hiện nhiệm vụ này”.
Xác định chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển từ lúa một vụ, bắp sang trồng rau là cách giúp bà con thoát nghèo nhanh và bền vững nhất. Nhưng để thay đổi tập quán canh tác của bà con không phải là chuyện dễ. Bonyê Hơm đã mạnh dạn làm trước trên diện tích sản xuất của gia đình. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ này để thống nhất và triển khai đối với các đảng viên trong chi bộ. Hiệu quả từ việc chuyển đổi của các đảng viên là niềm tin để vận động nhân dân chuyển đổi. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Bí thư chi bộ Bonyê Hơm còn vận động bà con kéo điện hạ thế vào khu sản xuất. Chính chị đã tranh thủ sự ủng hộ của xã và sự hỗ trợ của Điện lực Đơn Dương ứng trước tiền kéo điện vào. Điện vào khu sản xuất, bà con đã có thể đầu tư máy bơm, péc tưới... Rau tốt tươi cũng như lòng người đang trào dâng khí thế xây dựng ở thôn M’Răng vậy. Sau khoảng 5 năm, đến nay 100% người dân trong thôn chuyển qua sản xuất rau, màu. Thu nhập bình quân đầu người ở đây khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
Trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ của thôn, bí thư chi bộ luôn là người tiên phong để khơi nguồn tinh thần trong đảng viên và Nhân dân.
Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ bí thư chi bộ
Chi bộ là nền móng, tế bào của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Bí thư chi bộ là người đứng đầu của cấp ủy giữ vai trò hạt nhân đoàn kết của chi bộ. Bởi thế, vai trò của chi bộ có thật sự được phát huy và trở thành hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và đặc biệt là bí thư chi bộ. Vấn đề hiện nay được các địa phương quan tâm là làm sao để tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các bí thư chi bộ, của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; khơi dậy được sự nhiệt tình của họ đối với công việc chung.
Để nâng cao nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, các cấp ủy cấp trên cơ sở đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho các bí thư chi bộ. Đặc biệt, vừa qua, Lâm Đồng đã tổ chức thành công hội thi “Bí thư chi bộ giỏi” để khuyến khích tinh thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thi đua nâng cao trình độ của các bí thư chi bộ. Ông Nguyễn Xuân Lương - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4A, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh cho rằng: “Hội thi là hội học. Bởi các đồng chí ở tổ chức đảng cấp trên luôn đồng hành để giúp đỡ, hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc của chi bộ cơ sở. Đây cũng là dịp để bí thư các chi bộ ôn lại những kiến thức liên quan đến công tác Đảng. Còn các bí thư chi bộ trẻ ít có cơ hội cọ xát với thực tiễn thì xem đây là khóa học ngắn hạn để bổ sung kiến thức trong điều hành hoạt động của chi bộ”.
Thông qua Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi, đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng phải chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở đảng cũng như đội ngũ bí thư chi bộ.
NGỌC NGÀ