Muốn xây dựng đô thị thông minh thì phải xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian

04:12, 20/12/2018

(LĐ online) - Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

(LĐ online) - Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
 
Phó Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Phó Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc

Dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí K’Mak - UV BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh; Trần Văn Hiệp - UV BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thị Lệ - UV BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Huỳnh Thị Thanh Xuân - UV BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Đà Lạt; Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
 
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi làm việc, năm 2018, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt trên 7.100 tỷ đồng, bằng 111% so với dự toán Trung ương, bằng 105% dự toán địa phương, tăng 10,1% so cùng kỳ. 
 
Cụ thể, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng cao 8,59% (KH 8,5 - 8,7%); Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 5,2% (KH 4,8 - 5,3%); sản lượng rau các loại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 6,0%; sản lượng hoa các loại 2,79 tỷ cành, tăng 1,6% so với cùng kỳ; sản lượng cà phê nhân 495.744 tấn, tăng 4,6%; sản lượng chè búp tươi 135.268 tấn, giảm 7,7%; sản lượng điều 8.232 tấn, tăng 85,6%; diện tích cây dâu tằm 7.407 ha, tăng 30,8%; sản lượng lá dâu 127.330 tấn, tăng 22,7%...  
 
Nhiều mô hình liên kết sản xuất phát huy hiệu quả và đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; đến nay, toàn tỉnh có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ có hợp đồng liên kết lâu dài, tăng 52 chuỗi so cùng kỳ, với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân; chăn nuôi tiếp tục phát triển. 
 
Công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng tiếp tục được chú trọng, tỷ lệ độ che phủ của rừng 54%, đạt kế hoạch đề ra; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm so với cùng kỳ; Đến cuối năm 2018, tỉnh có 87/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75% tổng số xã và tăng 12 xã so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều còn 2,91%, giảm 1% so với năm 2017, tương đương khoảng 3.100 hộ thoát nghèo trong năm.
 
Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục, phát triển và tăng trưởng khá; chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện; du lịch canh nông phát triển mạnh và ngày càng có tính chuyên nghiệp cao, là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Khai thác có hiệu quả các chuyến bay đến sân bay Liên Khương từ: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Trong năm 2018, có 6,5 triệu lượt khách du lịch đến Lâm Đồng, tăng 10,3% so với năm 2017.
 
Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính; trong các lĩnh vực: du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2017, Lâm Đồng xếp thứ 3 về ứng dụng công nghệ thông tin trên 63 tỉnh, thành phố.
 
Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đã thành lập và đưa Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2018; đồng thời chỉ đạo củng cố, kiện toàn bộ phận một cửa tại UBND cấp huyện và cấp xã. Việc thực hiện tinh giản bộ máy và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực; UBND tỉnh đã ban hành quyết định sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, qua đó giảm được 11 đơn vị; đối với các huyện, thành phố giảm 15 đơn vị…
 
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cũng đã nêu một số ý kiến về các lĩnh vực du lịch, y tế, khoa học công nghệ… của tỉnh. Quan tâm đến việc Lâm Đồng đang xây dựng thành phố thông minh theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy nêu ý kiến rằng, tỉnh cần phải làm tốt công tác lưu trữ dữ liệu trên các lĩnh vực để phục vụ rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Thứ trưởng nêu một số thông tin về vấn đề số hoá hiện nay đang được triển khai khá hiệu quả ở một số địa phương để tỉnh tham khảo và đề nghị tỉnh cần nhanh chóng số hoá các dữ liệu về địa chính, bản đồ chi tiết từ thành thị đến nông thôn, sớm cập nhật số hoá từ số nhà đến từng thửa ruộng, vùng kinh tế... 
 
Hiện thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước, nhờ có sự bứt phá thành công của công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã nhấn mạnh đến hai ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay mà tỉnh đang rất quan tâm đầu tư để thúc đẩy phát triển là nông nghiệp và du lịch. Theo đánh giá của chủ tịch UBND tỉnh, nông nghiệp hiện vẫn là “đầu tàu phát triển kinh tế” của tỉnh với giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích là 169 triệu đồng/ha; gần 55.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Du lịch cũng phát triển đều mỗi năm, tuy nhiên vẫn chưa như kỳ vọng vì vẫn đang gặp những khó khăn và hạn chế nhất định trong xây dựng các mô hình du lịch mới, hiện vẫn chủ yếu dựa vào các sản phẩm du lịch truyền thống lâu nay.
 
Về xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, Lâm Đồng đã bắt đầu rất sớm và đang tập trung trên 9 lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, quản lý đô thị… Tỉnh cũng đang xây dựng thành phố thông minh trên cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia.
 
Buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các Sở, ban, ngành địa phương.
Buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương
và lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương

Chủ tịch Đoàn Văn Việt đã kiến nghị Phó Thủ tướng quan tâm, tham mưu Thủ tướng để giúp tỉnh sớm hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; qui hoạch sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế để giúp tỉnh có hướng mở trong phát triển kinh tế vì hiện nay sân bay liên khương đã mở rộng các tuyến bay quốc tế và hoạt động rất hiệu quả.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chúc mừng những kết quả tỉnh đã đạt được và đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch và khoa học… 
 
Liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh theo quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Căn bản nhất là hạ tầng dữ liệu không gian, tỉnh phải sớm xây dựng cho được hạ tầng dữ liệu này thì mới có thể làm được đô thị thông minh. Hạ tầng dữ liệu không gian phải bao gồm tất cả các dữ liệu của các cơ quan nhà nước đến dữ liệu của người dân, tất cả phải được số hoá số hoá theo hệ thống, trải rộng từ thành thị đến nông thôn và trên mọi lĩnh vực để nhà nước và nhân dân đều có thể cùng khai thác, sử dụng. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng thành công thành phố thông minh và thúc đẩy tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển...” 
 
Nguyễn Nghĩa