(LĐ online) - Chiều 12/12, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại 05 tổ đánh giá về những kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện các cấp, các ngành, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2018...
[links()]
(LĐ online) - Chiều 12/12, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại 05 tổ đánh giá về những kết quả kinh tế - xã hội năm 2018, những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện các cấp, các ngành, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2018. Thảo luận các chỉ tiêu tăng trưởng, các giải pháp khắc phục để đạt chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2019.
|
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông – UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh phát biểu thảo luận về các vấn đề môi trường, quy hoạch xây dựng, nông nghiệp bền vững… |
Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu lên những tồn tại, hạn chế về xúc tiến đầu tư còn chưa hiệu quả. Nhiều chuyến tham quan nước ngoài chỉ mang tính “cưỡi ngựa, xem hoa” chưa kết nối được nhiều doanh nghiệp hợp tác làm ăn. Có đại biểu kiến nghị vấn đề đầu tư phải gắn với lợi ích người sản xuất, lợi ích người tiêu dùng chứ không phải là hoạt động phong trào, phải thiết thực để tránh gây lãng phí nhất là những dự án quy hoạch treo.
Về du lịch, vẫn còn nhiều cơ sở du lịch thành lập nhưng không hiệu quả nên phải đóng cửa, phần lớn do chưa hội đủ các tiêu chí quy định của pháp luật về du lịch. Vấn đề việc làm cho người dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Nạn bạo hành trẻ em ở một số nhóm trẻ gia đình rất đáng quan tâm… Vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn gặp khó khăn, phát triển kinh tế bị ảnh hưởng. Xe quá khổ, quá tải còn lưu thông trên đường gây hư hỏng đường giao thông, mất an toàn khi lưu thông.
Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần có giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng như hỗ trợ về thuế, giá đất…liên kết tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến nhưng chưa mạnh. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến kinh tế đời sống của nông dân. Một số đại biểu cho rằng trong xây dựng nông thôn mới không thể cào bằng giữa huyện giàu và huyện nghèo, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ phát triển tương ứng với tiềm lực từng vùng. Hiện nay, một số địa phương thành lập hợp tác xã để đảm bảo tiêu chuẩn về đích nông thôn mới, tuy nhiên đôi lúc, đôi nơi còn mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả, cần quản lý chặt chẽ các Hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất. Hỗ trợ các xã nông thôn mới để tiếp tục phát triển thành nông thôn mới kiểu mẫu…
Về giảm nghèo, một số đại biểu cho rằng hiện nay có tình trạng lợi dụng chính sách, cụ thể: các hộ gia đình có con cái tách hộ khi lập gia đình riêng để bố mẹ già sống với nhau và hưởng chính sách hộ nghèo của nhà nước.
|
Các đại biểu tiến hành thảo luận |
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 tăng từ 8,5 – 9% so với năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.985 tỷ đồng…trong khi đó phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn chưa vững chắc, chưa đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực, khu công nghiệp – xây dựng tăng trưởng chưa đạt kế hoạch đề ra, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên đất đai, khoáng sản còn nhiều hạn chế, bất cập.
Về chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019 giảm 1,0% - 1,5% trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2 – 3%. Theo đánh giá chung, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm qua giảm và đạt với mục tiêu của nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, nhưng thực sự chưa bền vững. Một số địa phương, nhất là tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông và một số xã nghèo theo Nghị quyết 30a còn cao. Tình trạng di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến địa phương sinh sống đang tạo áp lực lớn trong công tác giảm nghèo. Do đó, cần có giải pháp để thực hiện hiệu quả, bền vững trong công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác, vấn đề môi trường, tỷ lệ che phủ rừng…cũng được các đại biểu thảo luận và đề ra giải pháp để tiếp tục thực hiện. Nhiều giải pháp về quy hoạch, xây dựng, tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội đã được nêu lên cụ thể.
|
Bà Huỳnh Thị Thanh Xuân – Bí thư Thành ủy Đà Lạt, tổ trưởng tổ 1 gợi ý nội dung thảo luận tại kỳ họp thứ 6 |
|
Đại biểu Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Công ty CP Rừng hoa Đà Lạt phát biểu thảo luận tại hội trường |
|
Đại biểu đoàn Đà Lạt Phạm Thị Long phát biểu thảo luận về những hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội |
|
Đại biểu Bùi Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh phát biểu về những vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chuyển đổi giống cây trồng |
|
Các đại biểu tổ 5 thảo luận sôi nổi về các vấn đề kinh tế - xã hội |
Ngày mai (13/12) kỳ họp tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Báo Lâm Đồng online tiếp tục tường thuật diễn biến kỳ họp đến bạn đọc và nhân dân.
Nhóm phóng viên