Vấn đề đặt ra sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218

08:12, 19/12/2018

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218 về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218 về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền. Ðây là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng để mở rộng dân chủ, phát huy trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.
 
Chuyển biến tích cực
 
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chủ trì giám sát 8 chuyên đề, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành giám sát 52 cuộc trên các lĩnh vực quan trọng như: đầu tư xây dựng cơ bản; đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý, bảo vệ rừng…
 
Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức giám sát và phối hợp giám sát được trên 140 cuộc, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý về sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện Luật Công đoàn, thực hiện an toàn vệ sinh lao động, BHXH, BHYT…
 
MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố và các xã cũng thực hiện chức năng giám sát với nội dung phù hợp với từng cấp. Đặc biệt, ở cấp xã, thông qua các ban thanh tra nhân dân tham gia giám sát góp phần phát hiện các vấn đề sai phạm trong các dự án, giá trị thu hồi bằng tiền là trên 83 tỷ đồng…
 
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tập trung phản biện xã hội có hiệu quả trên những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh thông qua các dự thảo nghị quyết của HĐND và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của UBND các cấp. Riêng cấp xã, hoạt động phản biện được thực hiện lồng ghép thông qua việc góp ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền ở địa phương.
 
Riêng về Quyết định 218, các cấp thực hiện thông qua việc góp ý các văn kiện, dự thảo nghị quyết. Thực hiện đặt hòm thư góp ý xây dựng Đảng tại trụ sở cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Tổ chức cho nhân dân đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ 1 lần/năm hoặc khi có vấn đề cần thiết… Riêng cấp tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức 10 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy địa phương với nhân dân.
 
Ông Hoàng Liên - Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: “Việc thực hiện tốt Quyết định 217, 218 là kỳ vọng rất lớn của nhân dân và cả lãnh đạo các cấp. Bởi, nếu làm tốt các nội dung trong hai quyết định trên thì sẽ phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, chính quyền sẽ vững mạnh”.
 
Vấn đề cần gỡ rối
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Và, vướng mắc chính hiện nay nằm ở chỗ nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương, đơn vị, nhất là ở cơ sở chưa sâu, chưa toàn diện. Kỹ năng, năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ phụ trách nhiệm vụ này còn hạn chế. Mặt khác, do chưa có chế tài, ràng buộc trách nhiệm nên khâu thực hiện sau giám sát chưa cao; một số cấp, ngành chưa quan tâm thực hiện kiến nghị...
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trung - Bí thư Đảng ủy Phường 2, TP Bảo Lộc cho rằng: “Ở cấp cơ sở, công tác giám sát được thực hiện hiệu quả hơn việc phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bởi, khó khăn vướng mắc chính là hạn chế về năng lực, trình độ của cán bộ mặt trận cấp cơ sở và cả người dân. Mặt khác, những vấn đề nhân dân phản biện, góp ý nằm trong thẩm quyền của cấp cơ sở thì được giải quyết ngay, còn những việc ở cấp cao hơn thì rất khó. Đây chính là một trong những vấn đề mấu chốt khiến người dân không mấy mặn mà với việc phản biện xã hội”. 
 
Ông Lưu Tuấn Tú - Phó Ban Dân vận Thành ủy Bảo Lộc khẳng định: “Hiện cán bộ làm công tác này của các xã chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có trình độ chuyên sâu. Cộng với thiếu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể nên hiện nay việc thực hiện Quyết định 217, 218 ở cơ sở vẫn đang loay hoay trong tình trạng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
 
Đó cũng là thực tế diễn ra tại thị trấn Thạnh Mỹ và xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương khi mà giám sát vẫn được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, trong giám sát nội dung được chọn, cách thức thực hiện và cả đối tượng giám sát cũng chưa được các cấp địa phương thực hiện đúng theo hướng dẫn của Trung ương. 
 
Để các quyết định 217, 218 được thực hiện theo đúng mục tiêu, tinh thần mà Bộ Chính trị đặt ra, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hướng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương. Hàng năm, MTTQ các cấp cần cụ thể hóa các nội dung trên để có sự phối hợp đồng bộ giữa MTTQ, các tổ chức thành viên. Đặc biệt, việc chính quyền địa phương “lắng nghe nhân dân nói, nói cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin” sẽ góp phần động viên nhân dân phát huy vai trò giám sát để các nhiệm vụ được thực thi đúng quy định và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
 
NGỌC NGÀ