Những năm gần đây, việc tổ chức đối thoại với nhân dân được Lâm Ðồng thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề sau đối thoại mới là đích đến, là điều nhân dân mong đợi nhiều nhất.
Những năm gần đây, việc tổ chức đối thoại với nhân dân được Lâm Ðồng thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề sau đối thoại mới là đích đến, là điều nhân dân mong đợi nhiều nhất.
|
Bà con DTTS kiến nghị với lãnh đạo tỉnh tại cuộc đối thoại. Ảnh: N.N |
Tăng cường đối thoại
Trong Quyết định 218 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, một trong những phương pháp quan trọng được đưa ra chính là tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, địa phương với nhân dân.
Hoạt động đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương với nhân dân đã được thực hiện từ nhiều năm trước, song từ năm 2016 đến nay mới thực sự được đẩy mạnh. Ở cấp tỉnh, theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, hai năm qua có ít nhất 5 cuộc đối thoại lớn giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, công nhân, viên chức, nông dân, thanh niên, bà con người DTTS… và tạo ấn tượng nhất định trong xã hội. Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức hoạt động này để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trên địa bàn.
Trong các cuộc đối thoại, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân đã được đề cập. Đơn cử như trong cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo tỉnh với bà con DTTS, chị Touneh Hàn Kim Mai (huyện Đơn Dương) đã bày tỏ những bức xúc trong vấn đề nhiều con em đi học đại học, cao đẳng về không có việc làm. Còn chị Ka Sen (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) bày tỏ sự lo lắng về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Bởi phần lớn trường hợp tảo hôn đều rơi vào các hộ nghèo dẫn đến việc những hộ này đã nghèo lại càng nghèo hơn… Cũng trong không khí đầy cởi mở, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân, viên chức, lao động đã cho thấy nhiều vấn đề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp được rất nhiều người quan tâm.
Không chỉ có cấp tỉnh, tại các địa phương, hoạt động này cũng được thực hiện bài bản. Đơn cử như tại huyện Lâm Hà, lãnh đạo huyện vừa có cuộc đối thoại với nhân dân. Tại cuộc đối thoại này những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường được người dân đề cập nhiều. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Việc đối thoại để người dân phản ảnh những vấn đề họ quan tâm, những quyền lợi họ muốn đề xuất và cả những bức xúc cần giải quyết. Tổ chức đối thoại sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trong nhân dân, tránh được đơn thư khiếu nại”.
Kịp thời giải quyết kiến nghị của nhân dân
Ngay tại buổi đối thoại được tổ chức với bà con DTTS, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân là một hình thức nhằm nêu cao tinh thần dân chủ trực tiếp trong nhân dân. Cách làm này vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa tạo diễn đàn để phát huy quyền làm chủ và chức năng giám sát của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội tại cơ sở. Đồng thời, người dân có dịp tham gia ý kiến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Cuộc đối thoại đã cho thấy rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với các vấn đề kinh tế - xã hội”.
Và theo đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng: “Điểm đến của đối thoại chính là sự chuyển biến tích cực sau đó”.
Trong những cuộc đối thoại ở tất cả các cấp, lãnh đạo địa phương đã lắng nghe và giải thích, trả lời những thắc mắc cho người dân một cách rõ ràng. Tuy nhiên, để việc đối thoại không chỉ như “bồ câu đưa thư”, tức là chỉ ghi nhận, chuyển ý kiến thì việc chính quyền hành động được người dân mong đợi hơn nhiều.
Ông Điểu K’Bên - đại biểu huyện Cát Tiên tham gia đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với bà con DTTS nói: “Chúng tôi đã nhiều lần được tham gia tiếp xúc cử tri ngay tại cơ sở, tuy nhiên chưa bao giờ có hẳn một diễn đàn quy mô, chất lượng như cuộc đối thoại lần này. Qua đây tiếng nói của chúng tôi sẽ giúp cho lãnh đạo tỉnh biết được những vấn đề ở những vùng sâu, vùng xa để sớm có phương án giải quyết cho bà con thỏa lòng mong đợi”.
Và, để thỏa lòng mong đợi của người dân, việc giải quyết những vấn đề “hậu đối thoại” là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, đã có nhiều vấn đề được người dân đặt ra chính quyền địa phương, các ngành liên quan cũng đã giải quyết như: Các vụ việc liên quan đến thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động, các vụ án lao động do công đoàn các cấp khởi kiện, lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ các địa phương để giải quyết. Vấn đề hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS được học hành cũng được lãnh đạo các địa phương đẩy mạnh. Hay như vấn đề khởi nghiệp của thanh niên luôn được Nhà nước hỗ trợ đồng hành để thực hiện.
Trong tất cả các cuộc giao ban 6 tháng, 1 năm với MTTQ và các đoàn thể, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu từng đơn vị báo cáo tình hình giải quyết các vấn đề bức xúc đoàn viên, hội viên của mình được ý kiến qua các cuộc đối thoại. Cũng nhờ vậy mà khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh coi đây là những nhiệm vụ quan trọng, then chốt cần giải quyết để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Tuy vậy, vẫn tồn tại ở một số địa phương tính hình thức, đối phó, cho nên chưa có sự chuẩn bị chu đáo và quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề “hậu” đối thoại.
Có thể nói, hoạt động đối thoại chính là biện pháp để “sát hạch” năng lực cán bộ. Thông qua theo dõi hoạt động đối thoại để đánh giá năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ. Hành động sau đối thoại là một trong những biện pháp hữu hiệu để gây dựng củng cố niềm tin trong nhân dân.
N. NGÀ