Phù sa Mê Kông

04:01, 04/01/2019

(LĐ online) - Sông Mê Kông – tháng 4 năm 2018. Một ngày thanh bình, chúng tôi – nhóm làm phim của VTV8 cùng với Trung tướng Nguyễn Trung Thu – Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Đặng Thanh Sáu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị thành phố Đà Nẵng cùng vài người bạn làm một chuyến đi ngược dòng tìm lại những năm tháng gắn với tuổi trẻ của thế hệ này trong cuộc chiến chống Khme đỏ giải phóng Campuchia. 

(LĐ online) - Sông Mê Kông – tháng 4 năm 2018. Một ngày thanh bình, chúng tôi – nhóm làm phim của VTV8 cùng với Trung tướng Nguyễn Trung Thu – Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Đặng Thanh Sáu – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị thành phố Đà Nẵng cùng vài người bạn làm một chuyến đi ngược dòng tìm lại những năm tháng gắn với tuổi trẻ của thế hệ này trong cuộc chiến chống Khme đỏ giải phóng Campuchia. 
 
Nhóm làm phim tại Đền Preah Vihear
Nhóm làm phim tại Đền Preah Vihear
Gần 40 năm sau ngày giải phóng Nông Pênh mùng 7 tháng 1 năm 1979, đây là chuyến đi trở lại chiến trường. Họ đang có một cuộc hẹn với gia đình bà mẹ nuôi Phiu Ma Ly phía bên kia cửa khẩu Lệ Thanh – Việt Nam…
 
Từ sáng sớm, xe đưa chúng tôi từ Đà Nẵng vượt gần 500 km đến cửa khẩu Lệ Thanh lúc đã xế chiều. Thủ tục nhanh gọn, khi vừa qua cửa khẩu Lệ Thanh, cả gia đình con cháu mẹ Phiu Maly đã đứng sẵn đón đoàn. Tay bắt mặt mừng, cả đoàn lại vội vã đi vì đường về đến trung tâm tỉnh Stung Treng vẫn còn khá xa…
 
Xe vượt biên giới, cảnh vật gợi nhắc ngay nhưng ngày gian khổ trên đất bạn. Con đường từ cửa khẩu Lệ Thanh về Stung Treng này ngày xưa từng là tuyến hành lang quan trọng để các đơn vị Quân khu 5, trong đó có các cựu binh này, tiến vào vùng Đông Bắc Campuchia. Trung tướng Nguyễn Trung Thu bắt chuyện ngay: “Qua Campuchia vùng này vất vả lắm. Đây lên Stung Treng gần 1 ngày, đây lên Serepok cách Stung Treng 60 km chỉ nhìn thấy 2 lông mi, lông mày vàng ệch, tóc tai nhuộm vàng. Đường đất, xe GMC lính ngồi trên sàn, bước xuống không thấy gì…Xung quanh vấn đề nước là sống còn, trên bản đồ nước quanh năm nhưng đến nơi không có, đào sâu vài ba mét cũng không có nước…
 
Anh Trịnh Thanh Sáu tiếp lời: “Ngay nơi này, bọn em bị lạc, không xác định hướng về. Tối đến cả bọn ôm gốc cây ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục bò đi, nghĩ bụng đến giữa trưa mà tìm không ra nước là chết. May quá, cả bọn tìm được hục nước. Trời ạ, nước trong vũng bùn trâu lội, đỉa ơi là đỉa. Một thẳng cởi áo ra trùm xuống mặt nước để đỉa không bò lên được, cả bọn thi nhau uống, ngon không thể nào tả xiết …”.
 
 
Mỗi người mỗi kỷ niệm với vùng đất mình từng gắn bó. Với Trung tướng Thu và anh Trịnh Thanh Sáu, ngoài những kỷ niệm chiến tranh, họ có chung một miền ký ức: làng Pla Khan, huyện Tha la, tỉnh Stung Treng. Đấy là một ngôi làng nhỏ nằm ngay đúng khu vực dòng Mê Kông bắt đầu chảy vào địa phận Campuchia sau đó vào Việt Nam, và một bà mẹ nghèo tên là Phiu Maly…
 
Câu chuyện của bà mẹ nghèo tên là Phiu Maly này gắn liền với lịch sử Campuchia những ngày ác liệt nhất…Cánh đồng làng Plakhan mùa khô gợi nhắc không khí chiến tranh. Trên những cánh đồng này, sau khi từng bước đánh tan sức kháng cự của Khmer Đỏ ở vòng ngoài, ngày 7 tháng 1 năm 1979, 9 sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam tạo thành 2 gọng kìm tiến vào Nông Pênh...Chế độ diệt chủng do Pol Pot cầm đầu bị xóa bỏ. Nhân dân Campuchia từ bóng tối bước ra ánh sáng từ ngày lịch sử trọng đại này…
 
Sau khi chế độ Khơme Đỏ bị lật đổ, theo hiệp ước được ký bởi chính phủ hai nước, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại giúp Campuchia ổn định tình hình. Các chuyên gia quân sự Việt Nam như cán bộ Nguyễn Trung Thu, Trịnh Thanh Sáu được đưa đến từng bản làng để giúp bạn xây dựng chính quyền giữa hiểm nguy trùng điệp vì lực lượng Pol Pot vẫn còn cài cắm vào mọi tổ chức trong xã hội Campuchia. Bờ sông cạnh làng Pla Khàn giờ thay đổi nhiều, mấy chục năm trôi qua, đại úy Trịnh Thanh Sáu vẫn còn nhớ như in ngày đầu ông đặt chân đến làng. Và như ông nói, số phận đã cho ông được gặp người mẹ thứ 2 của mình:
 
“Từ thị xã lên đây đi hết 8 tiếng đồng hồ, ca nô cập bến, dân đứng trên bờ rất đông, phần thì lo sợ phần thì tò mò. Tôi bước lên bờ trò chuyện với mọi người. Tiếp chúng tôi chính thức là một Xã đội trưởng, sau này tôi mới biết người ấy là do Pol Pot cài vào. Sau chào hỏi, ông chỉ tay về mấy căn nhà mà chính quyền đã liên hệ để chúng tôi ở nhờ. Nhà Mẹ Phiu Maly xa nhất, cuối làng, và là căn nhà nhỏ nghèo nàn...Không hiểu sao, tôi chọn về đấy ở. Đây có thể là duyên nợ…”
 
Tác giả bên mộ bà Phiu Maly
Tác giả bên mộ bà Phiu Maly
Từ bờ sông ngay chỗ anh Trịnh Thanh Sáu nói, chúng tôi băng qua một con đường và một dãy nhà dân để đi tìm mộ mẹ Phiu Maly. Ngay dọc theo bờ rào bằng gỗ chắn, mộ mẹ Phiu Maly nằm lặng lẽ trong khuôn viên yên tĩnh của ngôi chùa đầu làng. Ngày chia tay mẹ, những đứa con Việt Nam từng được mẹ nuôi nấng đều mong một ngày quay lại nơi này. 
 
Như bóng nắng ngoài kia, cuộc sống vận động không ngừng, sông Mê Kông chảy qua làng, mãi xuôi về biển. Ngày còn sống, mẹ Phiu Maly nhiều lần nhắc đến những người lính Việt Nam trong tình cảm yêu thương. Vậy mà, đến khi mẹ qua đời, ước nguyện gặp lại những đứa con Việt Nam mà mình cưu mang trong chiến tranh vẫn chưa thành hiện thực…
 
Hôm ấy là ngày đặc biệt. Làng Pla Khan đón những đứa con Việt Nam của mẹ tìm về…Khi nhìn thấy Trung tướng Nguyễn Trung Thu và anh Trịnh Thanh Sáu về nhà cùng những người con của mẹ, người thân, hàng xóm láng giềng kéo đến ngày một đông. Đúng là hôm nay, sau nhiều năm xa cách, căn nhà này lại đông đủ những đứa con của mẹ như những ngày xưa. 
 
Câu chuyện nhắc lại những ngày căng thẳng khi Khơme Đỏ trà trộn khắp nơi, liên tục phá hoại chính quyền mới và thủ tiêu bộ đội Việt Nam. Và những kỷ niệm thân thương về người mẹ nghèo đã một thời cưu mang những đứa con bộ đội Việt Nam sống lại. Trung tướng Nguyễn Trung Thu bồi hồi nhớ:
 
“Đêm ấy, gần 2 giờ sáng, tôi đang ngủ trên gác xếp, nhìn xuống dưới nhà thấy lửa. Lửa là một loại tín hiệu. Linh tính một người lính đi qua chiến tranh khiến tôi lo lắng. Tôi đánh động một người cận vệ và yêu cầu lặng lẽ xác minh. Sau một hồi xác minh, người lính báo lại cho tôi biết mẹ đang thức dậy nấu xôi. Tôi tự nghĩ chắc gia đình ngày mai có việc giỗ kỵ họ hàng. Tôi thiếp đi trong suy nghĩ mông lung. Sáng mai thức dậy, trước lúc hành quân công tác, mẹ gọi chúng tôi lại cho mỗi đứa một gói to. Trời ơi, trong ấy là xôi nếp và thịt gà. Thì ra mẹ đã lặng lẽ trong đêm để lo cho chúng tôi trước lúc đi xa…”
 
Trung tướng Thu tiếp lời:” Ngày sông Mê Kong mùa mưa nước ngầu đục, mẹ dùng bẹ chuối hứng nước mưa vào từng chiếc lu cho chúng tôi có nước uống và giặt những chiếc may ô để giữ những chiếc áo khỏi ố vàng. Chúng tôi biết ơn mẹ vô cùng giữa những ngày khó khăn và nguy hiểm ấy…”
 
Nhóm làm phim loay hoay đi tìm để ghi hình, cái lu nước ngày xưa mẹ hứng nước mưa để dành cho các con vẫn còn nguyên đấy. Cách dùng chiếc bẹ chuối để gom nước ngày sông Mê Kông ngầu đục cũng được kể lại. Đấy là tình yêu thương của mẹ đối với những đứa con Việt Nam xa nhà đi làm nghĩa vụ quốc tế. Mà có phải riêng ai, cả chuyên gia quân sự Trịnh Thanh Sáu, cả những sĩ quan cao cấp như Trung tướng Nguyễn Trung Thu, khi ấy là Tham mưu trưởng Đoàn quân sự 5503, nhiều năm liền, nhiều thế hệ cán bộ Việt Nam ở căn nhà này đều được mẹ chăm sóc như nhau.
 
Với đại úy Trịnh Thanh Sáu, căn nhà này gắn với sự kiện không thể nào quên trong những ngày đầy nguy hiểm sống trên đất bạn:
 
“Tôi đang ở dưới nhà, thấy mẹ đi về đầy lo lắng. Không nói gì bà đẩy tôi lên gác và xếp tôi nằm chung với những người con ngay ở góc nhà. Xong việc, mẹ vội vã đi xuống rút cầu thang giấu đi nơi khác và dùng dây cột chặt cửa. Bà dặn chúng tôi không được chuyện trò. Tôi nằm lo lắng, súng để trên tay, xác định nếu Pol Pot đến và lên gác thì phải chủ động tấn công. Đúng như dự đoán, lát sau có tiếng ngừoi lao xao phía dưới. Do lúc ấy, Pôn Pot còn đang muốn giành dân nên không thể làm càn. Mẹ đã đứng đó bảo đảm cho chúng tôi cho đến khi bọn chúng rút đi. Nếu không có mẹ, chắc chắn đêm ấy tôi sẽ chết. Mẹ là người đã sinh ra tôi lần thứ hai…”
 
Cái gì đã khiến người mẹ nghèo vùng Đông Bắc Campuchia này yêu thương bộ đội Việt Nam như những đứa con mình. Hãy nhìn vào đời mẹ:
 
Như nhiều phụ nữ Campuchia khác, cuộc đời mẹ Phiu Maly tiêu biểu cho số phận chung của những người dân nghèo Campuchia trong lịch sử đen tối của đất nước mình…
 
Chương sử đau thương ấy bắt đầu từ tháng 4 năm 1975, khi Pol Pot và đội quân Khơme Đỏ tiến vào thủ đô Nông Pênh nắm quyền kiểm soát ...Triệt để “tái cơ cấu xã hội” hướng đến sản xuất nông nghiệp tự túc và không còn giai cấp, Khơme Đỏ buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa, về các miền quê để lao động…Trường học, nhà máy, bệnh viện bị đóng cửa. Tài sản tư nhân bị tịch thu. Tôn giáo bị chà đạp…Nông Pênh và nhiều thành phố khác hoang tàn, không một bóng người. 
 
Tuol Sleng, từ một trường học thanh bình trở thành một lò sát sinh với tên gọi nhà tù an ninh S21, nơi tiêu diệt những ai bị coi là kẻ thù của chế độ…
 
Trong cơn lốc kinh hoàng của đất nước, để sống sót, mẹ Phiu Ma Ly đưa 6 người con của mình trốn vào rừng sâu, rồi bị bắt đưa vào các trại tập trung. Mẹ con tan đàn sẻ nghé, cái đói và sự khốn cùng tưởng đã có thể đánh gục họ giữa rừng sâu. Ngồi ngay trong căn nhà mình, anh Suachanh Phol – Con trai mẹ Phiu Maly tâm sự:  Gia đình tôi chạy cả vào rừng, mỗi người một nơi, sống quá khổ cực. Pol Pot bắt về các trại tập trung hàng ngày phải đi làm ruộng rẫy. Tay sưng tấy cả lên…Không đi thì bị đập và bắn chết. Tôi đã từng chứng kiến cảnh Pol Pot dùng cuốc đập vào đầu từng người và dùng súng AK để bắn. Chúng giết người không từ một ai”.
 
Chị Suachanh Tạ Rộnay – Con gái mẹ Phiu Maly tiếp lời:” Mỗi lần đánh kẻng thì ăn cơm, mẹ đói, các con để dành đồ ăn tìm cách gửi cho mẹ. Mẹ thì đi cắt ngọn me, ngâm muối tìm cách gửi con ăn…Kinh khủng nhất là phải chứng kiến cái chết đến bằng nhiều cách. Và nỗi lo, điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với người thân của mình…”
 
Chỉ sau gần 4 năm tồn tại, S21 trở thành vết nhơ của lịch sử khi nhà tù này đã giết hại hơn 17 nghìn người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
 
Với tư tưởng dân tộc cực đoan, Pol Pot đã biến đất nước mình thành địa ngục. Khoảng 2 triệu người, nghĩa là khoảng ¼ dân số Campuchia lúc đó đã bị giết chết bằng nhiều cách khác nhau. Một con số kinh hoàng, sự bạo tàn ghê tởm này, cho đến nay, lịch sử vẫn chưa thế nào lý giải được…
 
Sau 4 năm cầm quyền, Pol Pot đã làm đất nước Campuchia kiệt quệ. Những người dân sống sót rơi vào thảm họa thiếu ăn thiếu mặc. Quận đội Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia đánh tan chính quyền Pol Pot trung ương nhưng hòa bình thật sự vẫn còn xa lắm…Súng vẫn nổ, chiến trường ngày càng phức tạp. Tàn quân Khơme Đỏ vẫn ẩn nấp sát biên giới Thái Lan và luồn sâu vào nội địa phản kích quyết liệt với quy mô và cường độ ngày càng tăng. 
 
Nguy hiểm hơn, chúng còn đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, kích động hận thù dân tộc, vu cáo Việt Nam xâm lược và lôi kéo người dân chống lại bộ đội Việt Nam.
 
Làng Pla Khan của mẹ Phiu Maly nằm ngay ngã 3 biên giới Thái – Lào – Campuchia là căn cứ địa lớn nhất của tàn quân Khơme Đỏ. Trong hoàn cảnh ấy, việc nuôi nấng bộ đội Việt Nam trong gia đình là một lựa chọn hiểm nguy và sinh tử. Vượt lên trên tất cả, từ trải nghiệm cá nhân, gia đình, trong bối cảnh đau thương của đất nước mình, mẹ Phiu Ma ly biết lựa chọn của mình là con đường duy nhất đúng.
 
Anh Suachanh Phol – Con trai mẹ Phiu Maly nói về mẹ mình: “Bộ đội Việt Nam ai cũng được mẹ coi như con mình…Mẹ nói, bộ đội Việt Nam bỏ nhà cửa, gia đình, quê hương…qua đây để giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng. Việt Nam đã tái sinh Campuchia, làm gì được để giúp bộ đội Việt Nam mẹ cũng sẵn lòng”.
 
Ở một góc phố nhỏ Stung Treng, trong căn nhà bình dị của chị Suachanh Tạ Rộnay - con gái mẹ - bàn thờ của mẹ Phiu Maly được đặt ở nơi trang trọng. Bức tượng bán thân bằng đá này do Trung tướng Nguyễn Trung Thu nhờ người tạc và mang từ Việt Nam sang để tặng cho gia đình mẹ, một gia đình Campuchia mà ông và những đứa con Việt Nam khác từng được mẹ cưu mang, luôn nghĩ mình như một thành viên thân thuộc. 
 
Ngày bàn giao tượng cho gia đình không khí rất long trọng đối với họ. Không chỉ con cháu mà có cả đại diện Quân đội Campuchia, chính quyền các cấp của địa phương cùng rất nhiều người dân trong thôn. Trong tình yêu thương kính trọng, hình ảnh người mẹ chịu đau khổ năm xưa lại hiện về bên các con thân yêu, bên tình hữu nghị Việt Nam và Campuchia thật dịu dàng, mộc mạc. 
 
Tác giải tại Đền Preah Vihear
Tác giải tại Đền Preah Vihear
Chị Suachanh Tạ Rộnay – Con gái mẹ Phiu Maly xúc động nói: “Khi Quân khu 3 báo có bộ đội Việt Nam đến thăm, gia đình rất ngạc nhiên vì thấy có tượng của mẹ mình.  Người ta phải có tấm lòng mới làm như thế. Chỉ quân đội Việt Nam mới làm được như vậy mà thôi…”. 
 
Nhớ mẹ, những ngày cuối tuần, Tạ Rộnay dâng hoa lên bàn thờ. Trong căn nhà này, tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia là một giá trị được nhắc nhớ qua nhiều thế hệ. 
 
Lịch sử đã sang trang. Bỏ lại bóng đêm ám ảnh của nạn diệt chủng, Campuchia hồi sinh mạnh mẽ trong hòa bình. Một quá khứ vàng son từng chìm khuất giữa rừng già được đánh thức, Campuchia ngày nay là địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Phía sau vẻ rạng rỡ Ăng Kor, nhiều người còn biết, Campuchia đang gìn giữ những ký ức khác, bi tráng và hào hùng trên con đường đến ngày thịnh vượng…
 
Ngoài kia, sống Mê Kông vẫn đang âm thầm về xuôi…
 
Những người lính Việt Nam như Trung tướng Nguyễn trung Thu, đại uý Trịnh Thanh Sáu, đồng đội của họ… cùng người mẹ nghèo Phiu maly và những người dân Campuchia yêu hòa bình đã có đóng góp xứng đáng vào tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia. Sự hy sinh ấy lặng lẽ như phù sa bồi đắp cho dòng Mê Công hùng vĩ, mãi mãi là mạch nguồn của hòa bình và thịnh vượng cho hai dân tộc anh em…
 
Trương Vũ Quỳnh