(LĐ online) - Chiều hôm qua 11/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có ông Đoàn Văn Việt –Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Văn Đa –Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị sở, ngành, BHXH và ngành Y tế.
(LĐ online) - Chiều hôm qua 11/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có ông Đoàn Văn Việt –Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Văn Đa –Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị sở, ngành, BHXH và ngành Y tế. Nội dung tập trung vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng |
TS Phạm Thị Bạch Yến – Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình công tác y tế năm 2018 và định hướng nhiệm vụ năm 2019. Đặc biệt, Sở Y tế và một số đơn vị trực thuộc nêu lên các kiến nghị, đề xuất được các lãnh đạo Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế trả lời trực tiếp và ghi nhận có hướng giải quyết lâu dài về các vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế, không chỉ riêng của ngành Y tế Lâm Đồng.
Cụ thể như: đấu thầu thuốc khó khăn do trải qua đấu thầu nhiều lần, kéo dài thời gian dẫn đến thiếu thuốc gây khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh; về nguồn nhân lực trong biên chế không đủ người để phục vụ khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng làm việc quá tải tại các cơ sở y tế, trong khi không được hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Một số thông tư, quy định liên quan đến thanh toán BHYT chưa phù hợp.
Ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu nhấn mạnh sự quan tâm của Bộ Y tế đối với Lâm Đồng: “ Thành quả chăm sóc sức khỏe của Lâm Đồng có sự đóng góp to lớn của Bộ Y tế trong việc định hướng phát triển, giúp đỡ về chuyên môn, đào tạo đội ngũ, mở cơ chế cho Lâm Đồng có điều kiện tiếp cận ứng dụng các kỹ thuật cao, phương pháp điều trị mới, bổ sung nguồn lực cho địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có chủ trương thi tuyển Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư ngân sách cho y tế qua nhiều năm, đã rà soát xem xét kỹ lưỡng các đơn vị về đầu tư công trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, quan tâm đầu tư các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện II Lâm Đồng và 2 Bệnh viện YHCT. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng Bệnh viện vệ tinh triển khai 2 chuyên khoa Tim mạch và Ung bướu đáp ứng nhu cầu lớn của nhân dân địa phương. Hướng tới sẽ triển khai đề án liên kết xây dựng bệnh viện chất lượng cao mang thương hiệu Bệnh viện đa khoa tỉnh. Trong đấu thầu thuốc còn kéo dài, địa phương rút kinh nghiệm vấn đề này và đề nghị Sở Y tế cần học tập các địa phương khác về đấu thầu thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết qua chuyến đi thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương và 2 Trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhận thấy hệ thống y tế Lâm Đồng tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt cơ sở hạ tầng, cho thấy tỉnh rất quan tâm y tế, các chỉ số sức khỏe cơ bản người dân rất tốt. Vì vậy, tỉnh cần chọn thí điểm mô hình này tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng.
Bộ trưởng đôn đốc tỉnh sớm thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh (hiện cả nước còn 9 đơn vị chưa thành lập CDC). Về nhân lực, Bộ trưởng yêu cầu hai Sở Y tế và Tài chính cần tham mưu cho tỉnh lộ trình thực hiện tự chủ cho các đơn vị y tế. Sở Y tế nên tham mưu tỉnh đề án phát triển nhân lực chất lượng cao bởi nhân lực y tế phải đào tạo lâu, khó và làm sao để giữ chân họ. Với cơ chế tài chính hiện nay, nên có chính sách thu hút bác sĩ giỏi, chuyên khoa I, chuyên khoa II và Bộ Y tế sẵn sàng giúp tỉnh các đề án vệ tinh chuyển giao công nghệ và đào tạo để phục vụ người dân không phải đi xa lên tuyến trên để chữa bệnh. Đồng thời, phát triển nhân lực trình độ kỹ thuật cao phục vụ cho việc phát triển thành phố Đà Lạt, thành phố du lịch, xanh –sạch –đẹp, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, YHCT, dược liệu.
Bộ trưởng tin tưởng: “Những khó khăn mà ngành y tế Lâm Đồng sẽ khắc phục được trong thời gian tới. Riêng vấn đề tài chính, thông điệp lớn nhất của Nghị quyết 20 là bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, vấn đề chính là tìm nguồn tài chính, cơ chế tài chính để làm sao cho nhân dân được chăm sóc, nâng cao sức khỏe. Trong đó, chú trọng các vấn đề bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc người dân; quản lý sức khỏe, sàng lọc bệnh, phát hiện sớm và theo dõi lâu dài các bệnh mãn tính để giảm biến chứng, giảm tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống... Vì vậy, sức khỏe nhân dân phải tốt hơn, Sở Y tế phải tham mưu tỉnh để phân bổ ngân sách phù hợp theo tư duy mới của Nghị quyết 20.
AN NHIÊN