Đảng bộ xã Mê Linh: Tập trung phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:01, 02/01/2019

Nếu như trước đây cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) còn nhiều khó khăn, nay được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước cuộc sống của bà con cả về vật chất lẫn tinh thần từng bước được nâng cao. 

Nếu như trước đây cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) còn nhiều khó khăn, nay được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước cuộc sống của bà con cả về vật chất lẫn tinh thần từng bước được nâng cao. Quả thật, sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này đã tạo một khí thế mới, người dân ở đây luôn tự hào vì có Ðảng soi đường chỉ lối, vững tin một lòng theo Ðảng. 
 
Cây dâu tằm “bén rễ” và bước đầu cho thu nhập đối với người dân vùng đồng bào DTTS ở xã Mê Linh. Ảnh: Ð.Tú
Cây dâu tằm “bén rễ” và bước đầu cho thu nhập đối với người dân vùng đồng bào DTTS ở xã Mê Linh.
Ảnh: Ð.Tú

Là xã nằm cách trung tâm huyện Lâm Hà khoảng 30 km về hướng Tây Nam, xã Mê Linh có diện tích tự nhiên 4.271 ha; toàn xã có 10 thôn, trong đó có 4 thôn đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên (Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối, Thực Nghiệm) với 433 hộ/2.136 nhân khẩu. 
 
Đồng chí Dương Thị Lâm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mê Linh cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy xã Mê Linh đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tập trung mọi nguồn lực phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Và, nhờ sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Mê Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Ông Lơ Mu Ha Pol - Bí thư Chi bộ thôn Hang Hớt vui mừng thông báo những kết quả nổi bật: Hiện nay, thôn có trên 287 ha trồng cà phê, là nguồn thu nhập chính của bà con. Một số hộ dân điển hình trong làm ăn kinh tế có thu nhập ổn định chừng 300 triệu đồng/năm, còn thu nhập chừng 50 triệu đến 80 triệu thì nhiều lắm. 50 triệu một năm đối với các nơi khác thì không phải là cao, nhưng đối với người dân thôn Hang Hớt quả là một kỳ tích. Hiện nay, nông dân thôn chúng tôi đã biết tiếp cận và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điển hình như đã thực hiện tái canh cây cà phê, rồi đưa vào trồng dâu nuôi tằm đạt hiệu quả bước đầu. 
 
Thôn Cổng Trời có 152 nóc nhà với 818 nhân khẩu, đa phần bà con sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, bộ mặt của thôn đã có nhiều thay đổi: điện, đường, trường, trạm được đầu tư một cách bài bản, khang trang và đưa vào sử dụng. Bà Cill K’Ba (SN 1960), một người dân trong thôn tâm sự: Cuộc sống thay đổi rõ rệt, đời sống no ấm hơn trước nhiều lắm. Gia đình tôi giờ đây có thêm một nghề mới là trồng dâu nuôi tằm, giúp tăng thêm thu nhập.
 
Còn tại thôn Thực Nghiệm và thôn Buôn Chuối, khi đời sống bà con đa phần ổn định thì nhiệm vụ then chốt chính là xây dựng thôn văn hóa nhằm đẩy mạnh phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua các mô hình được xây dựng như: làm đường giao thông nông thôn, Quỹ vì người nghèo, Câu lạc bộ (CLB) pháp luật, CLB không sinh con thứ 3, mô hình không thách cưới…
 
Theo UBND xã Mê Linh, trong năm 2018, địa phương đã thực hiện chuyển đổi được 9,6 ha cây dâu tằm trên 45 hộ dân vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững với số tiền trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ 4 con bò giống cho 4 hộ trị giá khoảng 50 triệu đồng; hỗ trợ 2 mô hình trồng nấm mới ở thôn Hang Hớt và Cổng Trời trị giá 120 triệu đồng; hỗ trợ 29 hộ nghèo tại 4 thôn 29 bộ nong, né nuôi tằm trị giá trên 95 triệu đồng; hỗ trợ Đề án phát triển sản xuất cho 20 hộ dân tại 4 thôn vùng đồng bào DTTS...     
 
Sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và những nỗ lực không ngừng của người dân trong xã đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã Mê Linh. Người dân tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.
 
ÐỨC TÚ