Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", huyện Ðơn Dương đã có được đội ngũ trí thức đông đảo, chất lượng, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đáng ghi nhận trong từng bước phát triển của địa phương.
Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, huyện Ðơn Dương đã có được đội ngũ trí thức đông đảo, chất lượng, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đáng ghi nhận trong từng bước phát triển của địa phương.
|
Giáo dục là một trong những ngành thực hiện mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức ở Đơn Dương. Ảnh: N.Ngà |
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27, Đơn Dương đã có nhiều chiến lược nhằm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi cũng như có nhiều chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Ông Đinh Ngọc Hùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương nói: “Huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị quan tâm tới môi trường, điều kiện làm việc cho đội ngũ trí thức; đồng thời, hình thành các tổ chức hội trí thức như Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật của huyện nhằm tạo điều kiện để trí thức và văn nghệ sỹ có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, nhất là lực lượng cán bộ đã được cấp ủy đảng chú trọng. Hàng năm, Huyện ủy và cấp ủy cơ sở căn cứ quy hoạch cán bộ đã phê duyệt, tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, qua đó từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ”.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Đơn Dương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác, góp phần củng cố bổ sung thêm kiến thức lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trí thức.
Trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức, nói chung Ðơn Dương dành nhiều sự quan tâm đến đội ngũ trí thức trẻ, nữ, trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số để bố trí vào các cơ quan Ðảng, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ huyện đến xã.
Nhờ vậy trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, cán bộ trí thức công tác tại cấp xã, thị trấn tăng lên rõ rệt. Theo số liệu thống kê từ Phòng Nội vụ huyện Đơn Dương, nếu như năm 2008, toàn huyện chỉ có 17 cán bộ, công chức xã, thị trấn có trình độ đại học, cao đẳng thì hiện nay con số này đã lên đến 169 người, trình độ cao đẳng là 42 người.
Ngoài ra, các ngành cũng thường xuyên chủ động thực hiện công tác giáo dục để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói riêng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức nói chung. Đơn cử như việc hàng năm, ngành Giáo dục huyện Đơn Dương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ trước năm học mới cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và viên chức của ngành. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở các bậc học từng bước được nâng lên. Hiện Đơn Dương có 40/54 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục được nâng cao. Đội ngũ trí thức trong các ngành khác như y tế, khoa học kỹ thuật… cũng được nâng cao nhiều về trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng. Đến năm 2018, đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện có trên 2.400 người, chiếm tỷ lệ gần 2,29% so với tổng dân số toàn huyện. Và trong 10 năm qua đã có 869 trí thức ưu tú, tiêu biểu được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những con số đáng mừng như tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 của Đơn Dương xuống còn 1,87%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 137 tỷ đồng, đạt 151,1% kế hoạch, tăng 110,8% so với cùng kỳ. Và hiện Đơn Dương đã hoàn thiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu… đều có sự chung tay của đội ngũ trí thức. “Họ đã đóng vai trò quan trọng trong những bước tiến của huyện Đơn Dương thời gian qua”, Bí thư Huyện ủy Đinh Ngọc Hùng khẳng định.
Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề đặt ra trong việc đưa ra giải pháp tích cực trong đãi ngộ và tôn vinh trí thức; vì vậy chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi để thu hút, phát huy hết khả năng của đội ngũ trí thức. Lực lượng này phân bổ không đồng đều tập trung phần lớn ở lĩnh vực giáo dục, y tế, các cơ quan quản lý hành chính, hầu hết đội ngũ này tập trung giải quyết nhiệm vụ chuyên môn nên chưa dành thời gian, trí tuệ tham gia phản biện xã hội, đóng góp đề tài khoa học hoặc tham mưu đề xuất những giải pháp khả thi để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện. Các công trình, đề tài khoa học do đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện nghiên cứu, ứng dụng còn ít và thiếu tính thực tế. Vẫn còn tồn tại một bộ phận trí thức biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa vận dụng hết năng lực chuyên môn để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, địa phương…
Song, xác định vấn đề liên quan đến con người là chiến lược trường kỳ, đặc biệt để gây dựng những trí thức có đủ tâm và tầm cống hiến cho xã hội phải là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên với nhiều nỗ lực. Bởi vậy, hiện Đơn Dương đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức tới hành động của các cấp ủy địa phương, góp phần tăng số lượng và đặc biệt là chất lượng của đội ngũ trí thức.
NGỌC NGÀ