Khác với nhiều địa phương trong tỉnh, Ðơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và giờ đây huyện đang thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Ðơn Dương đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay để làm dân vận...
Khác với nhiều địa phương trong tỉnh, Ðơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và giờ đây huyện đang thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Ðơn Dương đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm hay để làm dân vận. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
|
Đổi thay ở Lạc Lâm, Đơn Dương. Ảnh: N.Thu |
Tại Đơn Dương, cách làm dân vận mới gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và được thể hiện qua việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong Nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng ban hành 10 tiêu chuẩn khung để thực hiện Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”.
Từ thực tế đời sống xã hội của địa phương, tinh thần thi đua ấy thể hiện trên lĩnh vực kinh tế với nhiều mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, điển hình phải kể tới là mô hình của bà Nguyễn Thị Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô; mô hình “Tổ tự quản vận động Nhân dân đóng góp tiền, ngày công để tu sửa, làm đường giao thông nông thôn” của Tổ dân vận thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm; mô hình “Xây dựng tổ dân phố Lạc Quảng đạt chuẩn đô thị văn minh”; Câu lạc bộ Cựu Chiến binh bảo vệ môi trường xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật của Chi hội cựu chiến binh tổ dân phố Nghĩa Hội, thị trấn Thạnh Mỹ...
Đặc biệt, trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh phải kể tới sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện với mô hình “Lực lượng vũ trang huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức các đợt huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên tại các xã, thị trấn, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở địa phương triển khai công tác dân vận như: vận động hơn 1.579 ngày công lao động tham gia trồng cây xanh, tu sửa các công trình công cộng, tu bổ đường giao thông nông thôn, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường trên 25 km tuyến đường nông thôn. Các chiến sĩ, cán bộ trong lực lượng vũ trang đã tham gia đóng góp 85 ngày công lao động và hỗ trợ 43 triệu đồng xây dựng một căn nhà tình thương với diện tích 41,5 m
2, sân bê tông 55,5 m
2 cho gia đình bà Đoàn Thị Gái cư trú tại Xóm 7, thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô là gia đình hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...
Công an huyện tích cực triển khai mô hình Camera an ninh trên địa bàn toàn huyện, kết quả đã tiến hành vận động, lắp đặt 103 camera trên các tuyến đường trọng điểm tại các xã, thị trấn; ngoài ra Công an huyện còn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện chủ động mắc camera để đảm bảo an toàn cho việc sản xuất kinh doanh.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở luôn coi trọng công tác dân vận, thi đua “Dân vận khéo”, phát huy dân chủ ở cơ sở, với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh tác phong công tác, lề lối làm việc theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, gần dân, sát cơ sở. Điển hình là mô hình “Dân vận khéo trong cải cách thủ tục hành chính” một cửa điện tử của đồng chí K Chấp - Công chức tư pháp thị trấn Thạnh Mỹ được ghi nhận và đánh giá cao; Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải cơ sở của đồng chí Trương Quang Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm với mô hình Dân vận khéo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu gom, xử lý rác thải của các hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, các hoạt động Dân vận khéo còn được áp dụng trong việc tổ chức vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; Dân vận khéo trong công tác quản lý bảo vệ rừng... mang lại hiệu quả tương đối cao.
Ông Lê Đình Thủy - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Đơn Dương cho rằng: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chỉ đạo và tổ chức xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, thể hiện tinh thần phối hợp cao của các thành viên trong cộng đồng, phát huy tính minh bạch và tăng cường công tác giám sát, nhất là chính sách an sinh xã hội, xây dựng các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, địa bàn dân cư để tổ chức các phong trào quần chúng, các hoạt động chăm lo cho quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên, tập hợp, thu hút đông đảo quần chúng đến với tổ chức của mình. Việc triển khai thực hiện tốt mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của đảng viên, cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân...
NGUYỆT THU