Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng

09:03, 21/03/2019

Trong năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Trong năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện khá hiệu quả; chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng quy định, có tác dụng răn đe, hạn chế các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế đó là: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung, chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng chưa sát với tình hình thực tế; việc quán triệt, tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thường xuyên, chưa có chiều sâu. Cán bộ, đảng viên và người dân còn ngại đấu tranh chống tham nhũng…
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: 
 
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản, các quy định của Đảng và Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng… Đặc biệt, người đứng đầu phải nêu gương về đạo đức, liêm chính và chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống tham nhũng tại tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mình. Căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng phù hợp, hiệu quả; chủ động tự kiểm tra, tự giám sát để kịp thời ngăn chặn các hành vi tham nhũng; khi phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định, nghiêm cấm việc bao che, xử lý qua loa, hình thức. Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng; không chủ động phát hiện, xử lý để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình hoặc bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
 
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ, tích cực rèn luyện, giữ gìn phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên rà soát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. 
 
Cần xác định việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách.
 
Tiếp tục chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như quản lý, sử dụng ngân sách, đất đai, nhà ở, tài nguyên rừng, khoáng sản, thuế, quản lý thị trường… Các trường hợp cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, bao che, dung túng trong xử lý tham nhũng phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm và xứ lý nghiêm.
 
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng.
 
LAN HỒ