Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát công tác giảm nghèo tại huyện Bảo Lâm

03:04, 09/04/2019

(LĐ online) - Sáng 9/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với huyện Bảo Lâm về việc giám sát chuyên đề "Thực hiện chính sách, pháp luật chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi" giai đoạn 2012 - 2018.

(LĐ online) - Sáng 9/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) do đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và đồng chí Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với huyện Bảo Lâm về việc giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách, pháp luật chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi” giai đoạn 2012 - 2018.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững cùng với việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và của tỉnh, huyện Bảo Lâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và từng giai đoạn; đồng thời, thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp để cùng thực hiện. 
 
Đến nay, toàn huyện có 95,66% người đồng bào DTTS được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế. Đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, toàn huyện có 173/468 căn nhà tạm bợ, dột nát được xây mới, sửa chữa. Về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015, huyện Bảo Lâm đã chi trả gần 3 tỷ đồng cho các đối tượng.
 
Những năm qua, Bảo Lâm đã mở được 53 lớp dạy nghề cho 1.721 lao động nông thôn; đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ghép cải tạo cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… cho hơn 2.000 lượt người. Hàng năm, Bảo Lâm có từ 130 - 190 lao động có chứng chỉ nghề nghiệp được giải quyết việc làm. Trong 7 năm (2012 - 2018), toàn huyện có 102 lao động đi xuất khẩu nước ngoài; trong đó, có 67 lao động nông thôn, 8 lao động hộ nghèo và 27 lao động người đồng bào DTTS… 
 
Về việc công nhận hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều từ cuối năm 2017 đến nay, huyện đã cấp sổ cho 15.355 hộ nhằm đáp ứng kịp thời việc thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.
 
Đặc biệt, đối với việc triển khai Nghị quyết 30a tại các xã nghèo trên địa bàn, trong 6 năm (2012 - 2017), Bảo Lâm được cấp gần 32,4 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo cho người dân. Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất từ năm 2013 đến nay, nguồn vốn giải ngân cho hộ nghèo vay là hơn 36,2 tỷ đồng; sinh viên vay hơn 20,1 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào DTTS là hơn 15,3 tỷ đồng…
 
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo tại địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Tốc độ giảm nghèo giữa các địa phương còn có sự chênh lệch cao; đời sống nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; công tác triển khai phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn còn chậm. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế tại vùng DTTS còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt là ý thức trông chờ, ỉ lại của một bộ phận người nghèo do công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức cao 3,07% (cao hơn mức trung bình của toàn tỉnh là 2,91%); trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS là 7,23%…
 
Tại buổi làm việc, các sở, ngành đã có những ý kiến đóng góp thiết thực để Bảo Lâm thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo trong thời gian tới như: Việc giải quyết việc làm cho bà con đồng bào DTTS; tập trung rà soát cơ sở vật chất trường học tại vùng đồng bào DTTS để có kiến nghị đầu tư; phải tăng cường đầu tư các ngồn vốn lồng ghép tập trung tránh tình trạng dàn trải, manh mún không hiệu quả…
 
Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm cũng đã giải trình và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các sở, ngành về công tác giảm nghèo. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm kiến nghị một số vấn đề quan trọng như: Nhà nước cần có chính sách để thu hút đầu tư vào các vùng đồng bào DTTS; cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trực hiếp giải quyết việc làm cho người nghèo, người đồng bào DTTS; việc hỗ trợ cấp thẻ Bảo hiểm Y tế không nên phân vùng đối với người đồng bào DTTS; phải có cơ chế, chính sách cụ thể đối với các hộ nghèo không thể thoát nghèo như người neo đơn, người già, bệnh tật…
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tạo ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Bảo Lâm đã đạt được trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, Phó Trưởng đoàn ĐBQH lưu ý, Bảo Lâm cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước tới người nghèo, người đồng bào DTTS; cần chú trọng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo về phát triển sản xuất, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục…
 
Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, đồng chí Nguyễn Tạo đã tiếp thu và hứa sẽ tổng hợp trình Quốc hội để có hướng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
 
KHÁNH PHÚC