Ðam Rông có 8 xã, 56 thôn, trong đó có 35 thôn đặc biệt khó khăn, 75% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Vốn là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng thời gian qua, với sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, thôn; sự đồng lòng, hưởng ứng, vào cuộc của người dân Ðam Rông, đến nay, huyện đã từng bước thay da, đổi thịt...
Ðam Rông có 8 xã, 56 thôn, trong đó có 35 thôn đặc biệt khó khăn, 75% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Vốn là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng thời gian qua, với sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, thôn; sự đồng lòng, hưởng ứng, vào cuộc của người dân Ðam Rông, đến nay, huyện đã từng bước thay da, đổi thịt...
|
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy họp nắm bắt tình hình tại các xã vùng sâu Đam Rông |
Từ việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, MTTQ và các đoàn thể đã tập hợp, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia vào các tổ chức đoàn, hội. Hiện nay, huyện Đam Rông có 31 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 1.637 đảng viên và 851 cơ sở đoàn, hội với 19.178 thành viên. Qua đó, nhiều đoàn viên, hội viên đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, là hạt nhân của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động chủ yếu thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đổi mới nội dung chuyển tải, từng bước tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...
Qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Ngày thứ bảy Dân vận khéo”... đặc biệt là phong trào “Đam Rông chung tay xây dựng nông thôn mới”... đã huy động cả hệ thống chính trị - xã hội và Nhân dân cùng tham gia thực hiện đạt nhiều kết quả. Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, Nhân dân đã đóng góp gần 23 tỷ đồng cùng với vốn hỗ trợ của Nhà nước xây dựng trên 50 km đường liên thôn, liên xã, nâng cấp trên 40 km đường giao thông nông thôn và xây dựng 4 hội trường thôn. Hiện, huyện đã có 1 xã về đích nông thôn mới, 2 xã đạt 16 tiêu chí (phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2019), các xã còn lại đều đạt trên 12 tiêu chí.
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện còn quan tâm triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế... giúp đỡ đoàn viên, hội viên và Nhân dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 46,97% (theo tiêu chí cũ), đến nay, giảm còn 19,22% (theo tiêu chí mới). Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh, nếu như năm 2009 đạt 8 triệu đồng/năm, đến năm 2018 đạt 31,5 triệu đồng/năm... Qua tuyên truyền, vận động và xây dựng các phong trào, đến nay, huyện đã có 180 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh đang được duy trì và hoạt động hiệu quả. Cụ thể, đó là 2 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, 47 mô hình, điển hình “Trồng dâu nuôi tằm” của xã Đạ M’Rông; mô hình “Bưởi da xanh”, “Trồng rau sạch” ở xã Đạ Tông; mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật”, mô hình “Phụ nữ với pháp luật”, mô hình “trồng rau trong nhà kính” ở xã Đạ K’Nàng... Những mô hình này hiện đang được MTTQ và các đoàn thể tiếp tục nhân rộng, nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Hương - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Đam Rông chia sẻ: Thời gian qua, với phương châm “Tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp”, hệ thống các tổ chức đoàn, hội hoạt động linh hoạt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, chú trọng thu hút các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động Mặt trận và các đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra do một số lý do như: trình độ dân trí không đồng đều, phương pháp tuyên truyền đôi lúc, đôi nơi chưa thuyết phục.
Ông cũng đưa ra nhận định, tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh qua các năm nhưng chưa thực sự bền vững. Một số hộ nghèo thiếu quyết tâm vươn lên để vượt nghèo, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chây lười không chịu khó vận động làm ăn kinh tế để tự vươn lên thoát nghèo…
Hy vọng trong thời gian tới, với nhiều cách làm mới, mô hình hiệu quả, Đam Rông sẽ tiếp tục thuyết phục và tập hợp được các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
NGUYÊN THI - HUỲNH THẢO