Góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi)

10:04, 18/04/2019

(LĐ online) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 18/4, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi) dưới sự chủ trì của ĐBQH, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'Nhiễu cùng sự tham gia đông đủ của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Hội Khuyến học, Sở Tài chính…

[links()] (LĐ online) - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 18/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi) dưới sự chủ trì của ĐBQH, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’Nhiễu cùng sự tham gia đông đủ của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Hội Khuyến học, Sở Tài chính…
 
Toàn cảnh buổi hội thảo góp ý luật giáo dục (sửa đổi)
Toàn cảnh buổi hội thảo góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi)
 
Phát biểu tại hội thảo, ĐBQH K’Nhiễu nhấn mạnh: Tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, sau chuyển đổi thành Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến. Qua thảo luận tại nhiều phiên họp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần được xem xét, góp ý để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 sắp tới. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tiếp tục trưng cầu lấy ý kiến của Nhân dân, các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) nhằm đi đến thực hiện có hiệu quả, thiết thực nhất khi Luật có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
 
Nhiều đại biểu trong ngành cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Luật Giáo dục. Nhất là về Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa còn gây nhiều băn khoăn hiện nay. Có ý kiến cho rằng quy định trong Luật thiếu sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành, thể hiện tính thực hành, trang bị kỹ năng sống tốt hơn cho người học. Việc quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau là không phù hợp, cần quy định rõ ràng, cụ thể, cần tập trunng một luồng kiến thức nhất định phục vụ cho học sinh và giáo viên, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống giáo dục. Cần quy định chặt chẽ mọi vấn đề, nên có thang bảng lương cho giáo viên một cách cụ thể, cần quy định độ tuổi cho giáo viên mầm non. Về học phí, bậc mầm non luôn cần sự đầu tư quan tâm của Nhà nước, miễn giảm học phí cho bậc mầm non. Khó khăn nhất vẫn là thừa thầy thiếu thợ trong hệ thống đào tạo nghề. Nhiều đại biểu đề nghị quy định về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm cụ thể các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấu trúc bậc trình độ và chuẩn đầu ra của các cấp học, trình độ đào tạo; làm rõ tính chất mở, liên thông, hướng nghiệp, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông… Một số đại biểu cho rằng Luật Giáo dục cần quy định các vấn đề chung nhất của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có cả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.  Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm những hành vi bị cấm và thiết kế thành một điều. Có đại biểu đề nghị về lấy ý kiến góp ý Luật Giáo dục Đại học trước Luật Giáo dục là chưa hợp lý. Quy định về những điều người học không được làm như hút thuốc, uống rượu bia… thì phải quy định giáo viên cũng vậy, bởi đã là giáo viên thì phải chuẩn mực trước người học.
 
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
 
Nguyệt Thu