Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 và thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCHTW Ðảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, theo Tỉnh ủy Lâm Ðồng: Nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực...
Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 và thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCHTW Ðảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, theo Tỉnh ủy Lâm Ðồng: Nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực. Ðây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự đồng thuận trong Nhân dân về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ đó, KT-XH của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng. Hệ thống chính trị ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh triển khai thực hiện nề nếp, từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thực sự lan tỏa trong cuộc sống... Với phương châm hướng về cơ sở, lấy dân làm gốc, nên thời gian qua đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được tăng cường.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm bà con DTTS tại khu vực Đầm Ròn, huyện Đam Rông. Ảnh: N.Ngà |
Tập trung phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân
Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, Nhân dân các dân tộc đã chung sức, đồng lòng cùng với Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, vượt khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Sau 10 năm nhìn lại cho thấy: KT-XH có sự phát triển nhanh chóng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội; diện mạo đô thị và nông thôn nhiều khởi sắc... Đến năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GRDP) tăng 8,59% (theo giá so sánh 2010), tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7.100 tỷ đồng (bằng 105% dự toán địa phương). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; ngành công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển... Do đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,85%...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không ngừng phát triển. Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo đạt kết quả khả quan. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” triển khai có hiệu quả. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 88,5%; tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 93%; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa NTM 75%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 83,8%; cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 94%. Công tác cải cách hành chính, tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú trọng.
Ðầu tư toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lâm Đồng có 70.655 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 24,1%, trong đó có 39.792 hộ với trên 196.060 nhân khẩu DTTS gốc Tây Nguyên (chiếm 15%). Toàn tỉnh có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS và nhiều thôn, buôn, xã chiếm tới trên 90%.
Thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/10/2006 về tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh vùng DTTS giai đoạn 2006-2010. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 510/QĐ-UB về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và ban hành những quyết định thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS. Ngày 8/10/2018, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030, mở ra thời kỳ mới cho vùng đồng bào DTTS.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng tập trung đầu tư toàn diện vùng đồng bào DTTS. Từ đó, tạo thay đổi tích cực: sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống đại bộ phận đồng bào DTTS ngày càng khá hơn. Nhiều hộ biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa; đa dạng giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều vùng chuyên canh cây rau thương phẩm, cà phê, chè, điều, tiêu... đã hình thành và phát triển. Đáng khích lệ là một số hộ đồng bào DTTS ở các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà... đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau thương phẩm, trồng hoa xuất khẩu để tăng thu nhập và làm giàu. Tổng sản lượng lương thực toàn vùng năm sau luôn cao hơn năm trước; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách về trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập. Cuối năm 2003, hộ nghèo đồng bào DTTS trong tỉnh chiếm 24% (theo tiêu chí mới), đến cuối năm 2018 giảm còn 8,5%, không còn hộ đói. Huyện Đam Rông hầu hết là đồng bào DTTS, thuộc huyện 30a còn 27,47% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS còn 42,26%. Để có kết quả trên, Lâm Đồng đã tập trung nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, xóa nhà tạm, giải quyết đất sản xuất cho các hộ thiếu đất. Tổ chức hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn và cho vay vốn ưu đãi... Ngoài 8 xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 29 xã, 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo vùng DTTS.
Tuy địa bàn tỉnh rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện 100% số xã có điện lưới quốc gia với trên 70% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi được cả hai mùa khô và mưa; nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có đường bê tông nhựa... Bằng các nguồn vốn, toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 24 công trình hồ, đập thủy lợi, kiên cố hóa 29 kênh mương cho vùng đồng bào DTTS với công suất tưới cho 4.700 ha canh tác, gần 2.980 hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi trực tiếp.
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Các địa bàn đông đồng bào DTTS như: Đam Rông, Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đơn Dương... đều có mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THPT. Hệ thống các trường được kiên cố hóa, cơ bản đảm bảo đủ phòng học. Giáo dục mầm non được chú trọng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có gần 57.700 học sinh DTTS, có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và 1 trường cấp tỉnh, thu hút gần 2.730 em học nội trú. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề hình thành khá phong phú và rộng khắp, với 33 cơ sở dạy nghề; mỗi năm đào tạo nghề cho hàng nghìn đồng bào DTTS.
Những bài học kinh nghiệm
Tuy còn một số mặt hạn chế nhưng để đạt được những kết quả to lớn trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Đó là:
Xác định rõ xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phát huy rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên; xây dựng vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Tập trung phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể. Chăm lo nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ thực sự của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có cơ chế, chính sách phù hợp phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội; củng cố vững chắc liên minh công - nông - trí. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, doanh nhân, tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung xây dựng quê hương phát triển bền vững, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động Nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng khăng khít, đảm bảo “ý Đảng” luôn hợp với “lòng dân”.
Nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ địa bàn dân cư.
LAN HỒ