Sau mười năm thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa, Huyện ủy Bảo Lâm đã tổng kết bốn bài học kinh nghiệm thực tiễn về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đối với một cán bộ được lựa chọn, bố trí giao cùng lúc 2 chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn.
Sau mười năm thực hiện thí điểm chủ trương nhất thể hóa, Huyện ủy Bảo Lâm đã tổng kết bốn bài học kinh nghiệm thực tiễn về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đối với một cán bộ được lựa chọn, bố trí giao cùng lúc 2 chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn.
|
Triển khai nhất thể hóa lãnh đạo và điều hành ở các xã điểm trong huyện Bảo Lâm đã tạo bước phát triển đáng kể về các lĩnh vực kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: V.Việt |
Từ việc chọn 1 xã làm thí điểm
Theo báo cáo của Huyện ủy Bảo Lâm, từ giữa năm 2009, triển khai kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Lâm được giao chủ trì, phối hợp các Ban Xây dựng Đảng xem xét chọn 1 xã trên địa bàn làm thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã để nhân rộng trên địa bàn. Qua đánh giá các tiêu chí về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tinh thần đoàn kết nội bộ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Lâm quyết định lựa chọn Đảng bộ xã Lộc An thực hiện chủ trương nhất thể hóa hai chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã. Hội nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm sau đó đã thống nhất triển khai theo đề xuất của Ban Tổ chức Huyện ủy này.
“Xã Lộc An là địa phương phát triển kinh tế - xã hội ổn định, đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa, làm việc khá đều tay. Ở đây các phong trào thi đua yêu nước triển khai rất hiệu quả, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao làm cơ sở cho việc sơ kết, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung sau khi thực hiện thí điểm...”, Huyện ủy Bảo Lâm phân tích.
Qua kiểm tra và thăm dò của Huyện ủy Bảo Lâm cho thấy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều đồng tình chủ trương một cán bộ, hai chức danh bí thư và chủ tịch UBND cấp xã. Bởi sự kết hợp hài hòa giữa hai chức danh lãnh đạo và quản lý điều hành góp phần tinh gọn bộ máy, chủ động triển khai công việc được khẩn trương, đồng thời gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lâm chỉ đạo hoàn chỉnh quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy, HĐND và UBND xã Lộc An; xây dựng phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, trong đó phân công trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An phụ trách trên các lĩnh vực công tác khác nhau. “Kết quả nhất thể hóa hai chức danh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được thực hiện nhất quán và có hiệu quả hơn. Đồng chí Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Lộc An nắm chắc các hoạt động của khối chính quyền, chủ động xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện...”, Huyện ủy Bảo Lâm đánh giá.
Đến 4 bài học kinh nghiệm
Từ kết quả nhất thể hóa hai chức danh ở xã Lộc An, từ năm 2009 đến nay, Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Lâm tiếp tục bố trí, đề xuất nhân rộng 7 lượt cán bộ tại thị trấn Lộc Thắng và các xã: Lộc Phú, B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Tân và Tân Lạc. Qua đó, Huyện ủy Bảo Lâm đã đúc kết 4 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phân công một cán bộ, hai chức danh lãnh đạo và điều hành ở địa phương là: Thứ nhất, lựa chọn cán bộ có đức, có tài, đủ năng lực đảm nhiệm đồng thời 2 chức vụ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên. Thứ hai, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền luôn luôn tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương. Thứ ba, nghiêm túc thực hiện nội dung quy chế làm việc, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể và cá nhân. Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhấn mạnh “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
VĂN VIỆT