Phát huy vai trò của các hội quần chúng

08:04, 26/04/2019

Các tổ chức hội quần chúng trong những năm qua không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực, các tổ chức hội quần chúng đã tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức dân, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương. 

Các tổ chức hội quần chúng trong những năm qua không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với sự hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực, các tổ chức hội quần chúng đã tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức dân, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương. 
 
Việc Hội thầy thuốc trẻ tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân nghèo vùng sâu, vùng xa đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của người dân trong toàn xã hội. Ảnh: H.My
Việc Hội thầy thuốc trẻ tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân nghèo vùng sâu, vùng xa đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao của người dân trong toàn xã hội. Ảnh: H.My
 
Những đóng góp lớn
 
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 102 ngày 22/9/2014 về hội quần chúng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn thực hiện nội dung này nhằm yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo việc thành lập tổ chức, định hướng hoạt động của hội quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Theo thống kê từ Ban Dân vận Tỉnh ủy: Đến cuối năm 2018, Lâm Đồng có 675 tổ chức hội quần chúng. Trong đó, hội hoạt động trong phạm vi tỉnh là 63 hội, phạm vi huyện có 137 hội, phạm vi xã có 475 hội, với khoảng trên 149 ngàn hội viên. Trong 5 năm qua, tỉnh đã cho phép thành lập thêm 19 hội (9 hội cấp tỉnh và 10 hội cấp huyện), giải thể 2 hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh (Hội Hoa lan tỉnh và Liên đoàn TDTT tỉnh), sáp nhập 1 hội có phạm vi hoạt động cấp huyện (Hội Cựu thanh niên tiền trạm tuyến vào Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Lâm Hà).
 
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức hội thường xuyên quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên; góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng hội vững mạnh. 
 
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội được các hội quần chúng quan tâm, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực. Ông Trần Minh Châu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh cho biết: Hội này đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội với hơn 100 chuyên gia khoa học trên các lĩnh vực để thành lập các hội đồng tư vấn, phản biện về các vấn đề khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ trí thức… 
 
Trong lĩnh vực giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hội quần chúng các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Một số hội xây dựng các mô hình hay, ý nghĩa. Cụ thể, ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Hội đã xây dựng nhiều mô hình thu hút được đông đảo hội viên tham gia, góp phần cùng địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Có thể kể đến mô hình “Giọt nước nghĩa tình” đưa nguồn nước sạch về cho bà con dân tộc thiểu số và các trường học; mô hình “Nuôi heo đất mua bò sinh sản”; mô hình “Cấp thẻ bảo hiểm y tế” cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; mô hình “Xây dựng sân xi măng”, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, đặt thùng rác công cộng…”. 
 
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng “Quỹ Khuyến học, khuyến tài”, “Quỹ Tấm lòng vàng khuyến học”  với mục đích tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, hỗ trợ phong trào thi đua của ngành Giáo dục. Hội Cựu giáo chức vận động các học sinh bỏ học trở lại trường lớp, góp phần duy trì sĩ số cho các trường học, tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại xã vùng sâu Đạ Long, huyện Đam Rông, ông Lơ Mu Ha Poh - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Cùng với ban giám hiệu các nhà trường, chính quyền địa phương, Hội Khuyến học xã là đơn vị tích cực, đi đầu trong việc vận động học sinh ra lớp. Với đặc thù xã nghèo vùng sâu, học sinh thường xuyên nghỉ học nên Hội Khuyến học phải làm việc liên tục. Trèo đèo, lội suối, đi vận động ban đêm... đều là việc làm thường xuyên của hội. Ngoài ra, Hội Khuyến học cũng đứng ra vận động quỹ để cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi và hỗ trợ thêm trang thiết bị cho các nhà trường, đóng góp thêm cho công tác dạy và học”.
 
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cũng được các cấp hội quần chúng quan tâm với những hoạt động phong phú như tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám bệnh và phát thuốc miễn phí... cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… Hội Chữ thập đỏ, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Nạn nhân chất độc da cam... đã phối hợp với các đoàn y, bác sĩ trong và ngoài tỉnh tổ chức các đợt khám, chữa bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Ông Đỗ Hoàng Tuấn cho biết thêm, hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng kế hoạch hiến máu tình nguyện, kêu gọi đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hiến máu thông qua các chương trình như: “Giọt máu nghĩa tình”, “Giọt hồng thành phố hoa”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”…; qua đó, cung cấp lượng máu cần thiết đến các bệnh nhân. Kết quả, công tác hiến máu tình nguyện năm sau cao hơn năm trước, đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: năm 2015 đạt 10.918 đơn vị máu, năm 2016 đạt 12.714 đơn vị máu, năm 2017 đạt 12.945 đơn vị máu, năm 2018 vận động 14.434 đơn vị máu…
 
Nhiều vấn đề đặt ra
 
Những hoạt động của các hội quần chúng luôn nhận được sự hưởng ứng cao của các tầng lớp  nhân dân. Điều này cũng góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong việc tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong hoạt động của các hội quần chúng. Theo khảo sát đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, hoạt động của các hội quần chúng còn tồn tại những bất cập nhất định. Trong đó phải kể đến việc đóng góp của các tổ chức hội chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được đòi hỏi quản lý, sự phát triển xã hội trong tình hình hiện nay. Số lượng thành viên, hội viên được tập hợp trong các hội vẫn còn thấp, chưa thu hút được nhiều hội viên là thanh niên ở nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, tôn giáo...
 
Các hội có xu hướng hành chính hóa. Nội dung và phong cách hoạt động của đội ngũ cán bộ hội về cơ bản không khác với công chức hành chính nhà nước, thiếu kỹ năng vận động, thuyết phục quần chúng, hội viên và tác phong gương mẫu, sâu sát hội viên.
 
Việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, thành viên vẫn còn hạn chế. Nội dung và phương thức hoạt động của một số hội còn nghèo nàn, lúng túng, có biểu hiện xơ cứng. Nhiều cấp hội chưa thật sự là mái nhà chung của hội viên, chưa tạo được sự gắn kết giữa cấp hội với hội viên, giữa hội viên với nhau. 
 
Để các hội thực sự là của quần chúng, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, cần có sự đồng hành thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, bản thân các hội phải phát huy tính chủ động, sáng tạo theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Chương trình, kế hoạch công tác phải gắn với thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, quản lý tài sản, tài chính đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong tổ chức hội về Điều lệ Hội để hội viên hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ hội; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Và người đứng đầu các hội phải thực sự có tâm huyết, sáng tạo, trách nhiệm, được sự tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền, có điều kiện về thời gian và có khả năng kết nối những mối quan hệ cần thiết với các tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác hội, quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và quần chúng nhân dân.
 
HOÀNG MY