Tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân đặc điểm nổi bật trong tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh

11:04, 11/04/2019

Trong hệ thống tư tưởng và phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân là tư tưởng lớn, mang tính dân tộc, văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và bản thân Người là một tấm gương mẫu mực suốt đời tận tâm, tật lực vì nhân dân, phục vụ Nhân dân

Trong hệ thống tư tưởng và phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, trọng dân, gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân là tư tưởng lớn, mang tính dân tộc, văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và bản thân Người là một tấm gương mẫu mực suốt đời tận tâm, tật lực vì nhân dân, phục vụ Nhân dân. 
 
Trọng dân, gần dân - Tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân là một trong những nội dung nổi bật của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của Nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”. Tư tưởng trọng dân, thân dân không chỉ là lý luận, mà còn được thể hiện sinh động trong hoạt động thực tiễn của Người.
 
Trước hết, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá đúng vị trí, vai trò của Nhân dân trong lịch sử, trong sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc và tiếp thu quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về quần chúng Nhân dân. Từ xưa, Trần Quốc Tuấn đã căn dặn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”; còn Nguyễn Trãi thì viết: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Bác Hồ khẳng định vai trò, sứ mệnh của Nhân dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Theo Bác, có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng là bí quyết trường tồn của cách mạng. 
 
Thứ hai, trọng dân thì “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Theo Bác, người cầm quyền, chính quyền của ta là công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải là người thống trị, cai trị dân, mà là người phục vụ dân. Hiện nay, môt bộ phận không ít cán bộ chưa thấm nhuần tư tưởng này của Bác. Họ không phải là công bộc của dân, mà là những “ông quan cách mạng”; luôn gây khó dễ cho dân, thậm chí còn hoạnh họe, “bắt nạt” người dân, làm những việc không có lợi cho dân... 
 
Thứ ba, vì trọng dân nên Bác gần gũi, ân cần thăm hỏi Nhân dân, nhất là các cụ già, trẻ thơ, những người dân lao động bình thường, những chiến sĩ nơi trận địa…để động viên, an ủi họ, tạo mọi điều kiện cho họ có cơ hội cải thiên cuộc sống. Trong vòng 10 năm (1955 - 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện 700 lượt đi đến các địa phương, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi năm, Người đi xuống cơ sở 60 lượt. Theo Bác, liên hệ chặt chẽ với dân chính là trọng dân.
 
Thứ tư, trọng dân Người hiểu dân, lắng nghe ý kiến và học hỏi ở dân; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ, tự nguyện làm tròn bổn phận và trách nhiệm công dân của mình. Theo Bác, “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432.); từ đó, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi đến với dân, không chỉ biết nghe dân nói, mà còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. 
 
Thứ năm, đối với Bác, trọng dân thì phải dân chủ với dân, không dân chủ với dân sẽ không tranh thủ được trí tuệ, sức mạnh của dân, làm cho khoảng cách giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân ngày một cách biệt nhau, xa rời nhau. Theo Bác, phải phát huy dân chủ của nhân dân, bởi nước ta là nước dân chủ, tất cả lợi ích, quyền hạn, quyền hành, trách nhiệm đều thuộc về nhân dân. Người yêu cầu mỗi cán bộ cần phải nâng cao, mở rộng dân chủ, để cho người dân được "mở mồm", động viên mọi người suy nghĩ để làm những việc ích lợi cho dân, cho nước; mỗi công việc của Ðảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Muốn phát huy dân chủ của nhân dân, một mặt phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, mặt khác cần khuyến khích Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. 
 
Thứ sáu, trọng dân thì phải có trách nhiệm với dân, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, điều quan trọng bậc nhất là vấn đề lợi ích của người dân, nếu lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Ðảng, tin chế độ. Người nhắc nhở: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Học theo Bác, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải hết sức quan tâm đến lợi ích của dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. 
 
Thứ bảy, trọng dân thì phải thực hành tiết kiệm và sống giản dị. Đương thời, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về phong cách sống tiết kiệm, giản dị. Bác không chỉ tiết kiệm về của cải, tiền bạc mà còn chú trọng tiết kiệm cả về thời gian với triết lý “thì giờ là vàng ngọc”, mất của cải còn làm lại được, còn thời gian trôi đi không bao giờ trở lại. Với Hồ Chí Minh, tiết kiệm thì giờ cần đi đôi với tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm mới có hiệu quả. Đặc biệt, vì đề cao phong cách sống tiết kiệm, giản dị, nên Bác ghét cay, ghét đắng, thường xuyên lên án những kẻ tham nhũng, lãng phí, tiêu tiền của dân, của nước vô tội vạ. Người nói: Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân. Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Trăn trở về điều này, trước lúc đi xa, Bác còn căn dặn Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
 
Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân 
 
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân trong năm 2019 và các năm tiếp theo, chúng ta cần chú trọng: 
 
(I) Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy “dân làm gốc”, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân làm những việc pháp luật không cấm, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
 
(II) Cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng trong Nhân dân và có biện pháp giải quyết kịp thời.
 
(III) Cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị cần phải gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, cũng như trong sinh hoạt đời thường; tự giác thực hiện nghiêm Quy định “Những điều đảng viên không được làm” (QĐ số 47-QĐ/TW), Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp” (QĐ số 101-QĐ/TW), Quy định về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” (QĐ số 55-QĐ/TW).
 
(IV) Khắc phục có hiệu quả tình trạng cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời Nhân dân, lên mặt với Nhân dân; nói là phục vụ Nhân dân nhưng thực sự là phục vụ cho mình, nói là đầy tớ của dân nhưng lại bắt dân làm đầy tớ cho mình, nói là mang lại lợi ích cho dân nhưng lại chỉ lo thu vén cho mình. 
 
(V) Cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Hồ Chí Minh không chỉ bằng những lời nói mà phải bằng sự hòa mình với dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, mọi việc đều phải bàn bạc, thảo luận với nhân dân trước khi quyết định; học cái hay, cái sáng tạo của dân để hiểu dân một cách sâu sắc, để xử lý vấn đề tích cực..., từ đó để dân tin. Tuy nhiên, học hỏi quần chúng nhân dân nhưng không được “theo đuôi quần chúng”, bởi trong quần chúng vẫn còn một bộ phận mang tư tưởng trung bình, bảo thủ, lạc hậu cần phải tuyên truyền, giải thích, giác ngộ cho họ.
 
Việc thực hiện tốt nội dung chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sẽ làm tăng mối quan hệ khăng khít giữa dân với Đảng, với chính quyền; củng cố niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
                                                                                                                 
VĂN NHÂN