Suốt 10 năm kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Lạc Lâm luôn xuất sắc giữ vững "lá cờ đầu" của huyện Ðơn Dương. Ðể làm được điều đó, thời gian qua, Ðảng ủy xã Lạc Lâm đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM.
Suốt 10 năm kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Lạc Lâm luôn xuất sắc giữ vững “lá cờ đầu” của huyện Ðơn Dương. Ðể làm được điều đó, thời gian qua, Ðảng ủy xã Lạc Lâm đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM.
Sản xuất rau thương phẩm ở Lạc Lâm. Ảnh: N.N |
Gần 10 năm về trước, Lạc Lâm bắt tay vào xây dựng NTM khi đã có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn qua khảo sát. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,7 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 103 hộ nghèo, chiếm 4%. Cơ sở vật chất cho giáo dục chưa đạt chuẩn. Nhà văn hóa, khu thể thao, công sở làm việc chưa đạt yêu cầu. Hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng mới đạt gần 50%...
Nhắc lại hành trình xây dựng NTM của Lạc Lâm, ông Huỳnh Văn Quang - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, sau khi quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện để cán bộ, đảng viên nắm chắc, hiểu rõ, đầu năm 2011, Đảng ủy xã Lạc Lâm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên cũng như các chi bộ thôn, xóm để bước vào xây dựng NTM với những việc làm, mục tiêu cụ thể không mơ hồ. Song song với đó, công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân được đẩy mạnh.
Không chỉ Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề để thực hiện nội dung này, mà ngay tại các chi bộ thôn cũng có nghị quyết và kế hoạch chi tiết để cụ thể hóa nhiệm vụ phù hợp với tình hình, đặc điểm từng thôn. Quy hoạch được xác định là nội dung cần triển khai trước một bước để định hướng cho xây dựng NTM, vì vậy xã đã tập trung thực hiện dứt điểm công tác quy hoạch xây dựng chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm.
Là vùng sản xuất rau thương phẩm trọng điểm của huyện Đơn Dương, Lạc Lâm hiện có gần 500 ha diện tích đất nông nghiệp. Từ tình hình thực tiễn, Lạc Lâm xác định hướng đi phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, bền vững. Xã đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất. Xây dựng các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực. Tạo chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình. Tạo điều kiện tối đa để nông hộ liên kết với các công ty sản xuất, chế biến... Chị Phan Thị Diễm (thôn Lạc Thạnh) chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau theo sự khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ của xã, kinh tế được cải thiện, gia đình tôi còn thuê thêm đất nơi khác để trồng rau thương phẩm. Giờ đây, cuộc sống của cả gia đình dựa vào cây rau. Nếu cứ trồng bắp với lúa như trước đây thì chắc không nuôi nổi con đi học”.
Hiện, bà con nông dân xã Lạc Lâm gieo trồng hàng ngàn ha rau thương phẩm. Trong đó, có gần 100 ha rau được trồng trong nhà kính, gần 200 ha rau được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel; ngoài ra, còn có trên 300 ha rau được sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Tổng sản lượng rau thương phẩm của bà con nông dân xã Lạc Lâm đưa ra thị trường trong các năm trên 20 ngàn tấn. Riêng các loại rau cao cấp đạt gần 2.400 tấn.
Với những mô hình như 3 hộ khá giúp 1 hộ khó, tạo điều kiện ưu tiên các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo ở Lạc Lâm. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 15 hộ, chiếm 0,85%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 60,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2009.
Đó là nền tảng để huy động nguồn lực trong Nhân dân để cùng với nguồn vốn của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Nếu như năm 2010 tổng nguồn vốn xây dựng chỉ có 1,7 tỷ đồng thì năm 2011 được gần 20 tỷ đồng, năm 2013 trên 17 tỷ đồng. Đây là giai đoạn cần nhiều vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các năm sau này nguồn vốn ít hơn song lượng đóng góp của Nhân dân cho các hạng mục công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm vẫn cao. Nhờ vậy, tháng 5/2014, Lạc Lâm được UBND tỉnh công nhận về đích NTM.
Từ kết quả xây dựng NTM, “bức tranh” ở Lạc Lâm thực sự chuyển biến mạnh mẽ: Kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở... Cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng. Chất lượng giáo dục tăng lên. Công tác y tế đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố... NTM trở thành phong trào thường xuyên và lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân.
Bí thư Đảng ủy xã Huỳnh Văn Quang nhấn mạnh: “Xây dựng NTM trước hết phải có được niềm tin của Nhân dân. Chính sự đồng thuận của Nhân dân là yếu tố quyết định đến mọi thành công. Để có sự đồng thuận ấy, trong quá trình xây dựng NTM, cần xác định những công trình, công việc mà Nhân dân thực sự mong muốn, thậm chí bức xúc để tập trung thực hiện. Và thực tiễn cho thấy ở đâu đoàn kết nội bộ tốt, người đứng đầu vào cuộc quyết liệt và việc sử dụng các nguồn vốn công khai, hợp lý, minh bạch, tiếng nói Nhân dân được thể hiện dân chủ thì sẽ có nhiều thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung và xây dựng NTM nói riêng. Đó là những yếu tố thực sự cần thiết, là những viên gạch đầu tiên tạo nền móng xây dựng NTM. Bởi NTM là hành trình dài, tuyệt đối không thể chủ quan nóng vội”.
Những thành tựu đạt được là đáng ghi nhận, song sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo địa phương và Nhân dân Lạc Lâm chưa dừng lại ở đó. Những mục tiêu mới đã được đặt ra, những kế hoạch mới đã được xây dựng để Lạc Lâm phấn đấu cho mục tiêu cao hơn: Về đích NTM kiểu mẫu cuối năm 2019.
NGỌC NGÀ