Bác Hồ viết Di chúc

09:05, 22/05/2019

(LĐ online) - Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, với tên gọi đầu tiên là ""Tài liệu Tuyệt đối bí mật"". Sau đó, từ năm 1966 đến 1969, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc bản ""Tài liệu Tuyệt đối bí mật"", xem xét, cân nhắc, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết...

(LĐ online) - Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, với tên gọi đầu tiên là “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”. Sau đó, từ năm 1966 đến 1969, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc bản “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”, xem xét, cân nhắc, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối và hoàn chỉnh bản Di chúc, để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Nhân dịp 50 năm ngày Bác Hồ hoàn tất bản Di chúc, chúng ta cùng nhớ lại câu chuyện về những ngày Bác viết Di chúc mà có lẽ nhiều người chưa biết tới.
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Ảnh: tư liệu
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Ảnh: tư liệu
 
Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, “Bác Hồ suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 60, sau khi dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế từ Mátxcơva trở về. Những bất đồng dẫn đến bất hòa giữa các Đảng anh em, nhất là trong việc đánh giá kẻ thù, càng làm cho Bác suy nghĩ nhiều”. Nhưng cho đến khi tròn 75 tuổi Bác mới bắt đầu viết Di chúc. Trước khi viết, Người đã về thăm Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của dân tộc.
 
Sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, trước khi ngồi vào bàn viết Di chúc, từ 7h sáng, Bác đã ngồi nghe đồng chí Bộ trưởng Giao thông Vận tải đến báo cáo về con đường chiến lược qua đất Lào, rồi căn dặn một số vấn đề; và nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo công việc chính trong tuần. Đúng 9h, Người đặt bút viết dòng đầu tiên, đó là câu: “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”; và một giờ trôi qua, đúng 10h, Bác viết xong phần mở đầu, rồi cẩn thận cho vào phong bì để vào ngăn trên giá sách. Sau đó, Người lại ung dung, thanh thản trở lại công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13/5/1965), cũng từ 9 giờ đến 10 giờ (khoảng thời gian vẫn được xem là lúc con người minh mẫn, sảng khoái nhất), Bác viết tiếp các phần còn lại và cứ đến 10h, Người lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa đồng chí Vũ Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”. Dù là ngày 14 nhưng Bác lại đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15/5/1965” và ký tên Hồ Chí Minh; bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Đến ngày 20/5, Người lại đọc, sửa tài liệu xong lại bỏ vào bì thư cất đi.
 
Đúng như lời Bác dặn dò, tròn một năm sau, ngày 10/5/1966, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt chiếc phong bì “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác, nhưng hôm ấy, Bác không viết gì thêm. Trong những ngày 11, 15, 16/5 sau đó, Bác đều dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, xem lại, bổ sung tài liệu. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. 
 
Những năm tiếp theo (1967, 1968 và 1969), cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 5 năm cuối cùng của cuộc đời, dành những thời khắc ý nghĩa, thiêng liêng đối với Người, dành hết tâm huyết để viết bản Di chúc có ý nghĩa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt, mà suốt 50 năm qua đã soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
 
Bản Di chúc viết xong ngày 10/5/1969 được công bố trong Lễ tang và đăng trên báo Nhân dân, ngày 10/9/1969. Tuy nhiên, do tình hình lịch sử cụ thể nên một số đoạn Bác viết thêm không đưa vào bản Di chúc khi công bố lần đầu; cho đến năm 1989, nhân 20 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, mới được công bố đầy đủ. Việc chọn bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Lược trích lại câu chuyện Bác Hồ viết Di chúc, chúng ta càng tự hào và yêu quý Bác, bởi: (I) Ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, Bác chọn đúng một ngày tháng 5, nhân dịp sinh nhật 75 tuổi của mình, đúng lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây để viết về ngày ra đi của mình, một cách ung dung, thanh thản. Điều này cho thấy Bác đã chủ động tiếp nhận quy luật tự nhiên sinh - tử của con người. (II) Việc Bác Hồ quyết định viết Di chúc trong tình hình đất nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp là rất cần thiết và đúng lúc đã cho thấy Bác là một con người suốt đời cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của Nhân dân và nhân loại cần lao, đến lúc từ biệt thế giới này vẫn còn lo cho dân cho nước, cho bè bạn quốc tế. (III) Miền Nam luôn trong trái tim Người, vì vậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn luôn được Bác coi là nghĩa vụ, là trách nhiệm hàng đầu. Bác nói: “Nếu tôi không được tự mắt trông thấy thực hiện cuộc thắng lợi đó, thì tôi phải tự trách mình không làm tròn nhiệm vụ đối với đồng bào miền Nam”. (IV) Về việc riêng, Bác căn dặn, “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”; Bác yêu cầu được hoả táng và chia tro thành 3 phần để vào 3 lọ sành đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, để nơi đâu Nhân dân cũng có Bác ở cạnh và đỡ phải đi lại xa xôi, làm cho mỗi chúng ta thật là xúc động về trái tim thương yêu Nhân dân mênh mông của Bác.
 
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa sâu sắc tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại; là di sản bất hủ gửi lại cho các thế hệ mai sau. Đó không chỉ là tâm tuyết của một người suốt đời tận tụy, phấn đấu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, mà còn mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, cùng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. 
 
50 năm Bác Hồ đi xa, những điều căn dặn, day dứt của Bác đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biến thành hiện thực; đất nước ta đang được xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.
 
KHÁNH LINH